Khảo sát đầu giờ sáng nay (19/10), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 66,1 – 67,1 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và 300 nghìn đồng/lượng chiều bán, đang niêm yết ở mức 66,1– 67,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá kim loại quý cũng đang đi lên nhờ đồng USD yếu đi.
Hiện giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.652 USD/ounce, tăng 2,5 USD, tương đương 0,15% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 48,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 17,2 triệu đồng/lượng.
Biểu đồ: Kitco |
Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm 0,12% xuống 112 điểm.
Đồng USD chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/10, giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ở nước ngoài, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đang đi xuống.
Theo ông Edward Moya, nhà phân tích cấp cao của OANDA, lợi suất trái phiếu đang giảm và đồng USD chắc chắn đã vấp phải một rào cản lớn, và nhờ đó vàng, ít nhất, đã không ghi nhận áp lực bán quay trở lại.
"Giá vàng đang ổn định phần nào. Tuy nhiên, chất xúc tác chính đối với kim loại quý sẽ là chu kỳ tăng lãi suất của Fed", ông Moya nói thêm.
Kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất lớn của Fed đã được củng cố sau khi báo cáo lạm phát tiêu dùng của Mỹ cho kết quả vượt dự báo vào tuần trước, với việc các thị trường đặt cược vào một đợt tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 11.
Lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lợi suất như vàng.