Tục thờ Thần Tài xuất xứ từ Trung Quốc sau đó du nhập về Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ 20 và được lưu truyền cho đến ngày nay. Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch được lựa chọn là ngày vía thần tài và một trong những thói quen tồn tại bấy lâu này của người dân Việt mỗi khi đến ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch chính là đi mua vàng để thể hiện mong muốn được “buôn may bán đắt”.
Thống kê diễn biến một thập kỷ trở lại đây cho thấy, giá vàng SJC thường tăng khá mạnh trong một tuần trước ngày Thần Tài rồi bất ngờ giảm trong ngày mùng 9 tháng Giêng, sau đó lại bật tăng vào ngày mùng 10 tháng Giêng rồi lại giảm sâu sau ngày vía thần tài. Chu kỳ tăng trong một tuần trước đó và chạm đáy vào gần cuối ngày hoặc sáng hôm sau ngày Thần Tài được lặp lại liên tiếp trong các năm gần đây, chỉ trừ năm 2022.
![]() |
Trong ngày vía thần tài, giá vàng tại Việt Nam có chiều hướng tăng trong khi vàng thế giới giảm |
Trong ngày vía thần tài năm 2023, giá vàng miếng SJC tăng 100.000 - 300.000 đồng mỗi lượng, Eximbank mua vào với giá 66,3 triệu đồng/lượng, bán ra 67,1 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào với giá 66,3 triệu đồng/lượng, bán ra 67,7 triệu đồng/lượng… Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC tăng lên mức cao 1,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng 9999 tại Tập đoàn Phú Quý niêm yết ở mức 66,20 - 67,20 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra. Giá vàng PNJ tại Hà Nội và TP.HCM giao dịch ở mức 66,30 - 67,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng miếng tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 66,35 - 67,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Giá vàng DOJI tại Hà Nội và TP.HCM giao dịch ở ngưỡng 66,30 - 67,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra)... Như vậy, giá vàng hôm nay ngày 31/1/2023 (lúc 7h00) tại thị trường trong nước đang niêm yết quanh mức 66,30 - 67,72 triệu đồng/lượng.
Không chỉ tăng giá mà nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng còn nới rộng biên độ mua – bán trong những ngày này. Cụ thể, biên độ mua – bán trong 2 năm trở lại đây được nới rộng vượt ngưỡng 1 triệu đồng/lượng. Còn giai đoạn trước năm 2022, mức độ chênh lệch giữa chiều mua vào và bán ra chỉ 200.000-300.000 đồng/lượng thì vào ngày Thần Tài, khi lực mua lớn, các đơn vị kinh doanh vàng thường đẩy chênh lệch giá mua - bán lên tới 500.000-700.000 đồng/lượng. Còn ngày vía Thần Tài năm ngoái, giá vàng niêm yết tại các nhà vàng tăng 100.000-200.000 đồng/lượng so với cuối ngày liền trước, trong bối cảnh giá thế giới có phiên tăng thứ 3 liên tiếp. Tại một số doanh nghiệp vàng, giá vàng niêm yết có thời điểm thậm chí ở mức 61,1-62,7 triệu đồng/lượng, khiến chênh lệch giữa giá mua - bán được nới rộng lên tới mức 1,6 triệu đồng. Dù thế nào thì phần thiệt vẫn được đẩy về phía người mua hàng.
Chị Trang tại Hà Nội chia sẻ, chị không quan tâm nhiều về mức giá mua vàng trong ngày vía thần tài vì chỉ đến mua 1 chỉ lấy may đầu năm, làm sao cho gia đình mình kinh doanh thuận lợi, công việc suôn sẻ, giá có đắt hơn ngày thường một chút cũng không sao.
Ngược lại, bà Bảy, một tiểu thương ở Bà Rịa – Vũng Tàu lại có quan điểm khác. Bà cho biết, trong ngày vía thần tài giá vàng sẽ có xu hướng tăng, thậm chí, cùng một loại vàng nhưng giá ở các tiệm vàng lại khác nhau và chênh lệch nhau từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng cho 1 chỉ. Theo dõi thông tin giá vàng có xu hướng giảm trong ngày mùng 9 âm lịch bà đã ra tiệm vàng để đặt mua 1 chỉ, thanh toán tiền, nhưng đúng ngày mùng 10 âm lịch mới qua tiệm để lấy vàng. Bà cũng cho biết thêm, một số tiểu thương như bà cũng chọn cách trả tiền trước, lấy hàng sau để hạn chế thấp nhất mức độ chênh lệch của giá vàng, khi bán ra ngay sau ngày thần tài cũng không bị lỗ nhiều.
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị bán vàng cho biết, doanh thu của công ty tăng mạnh nhất trong tháng Giêng âm lịch vì có ngày Thần tài. Lãnh đạo Công Ty TNHH Một Thành Viên Vàng Bạc Đá Quý Ngân Hàng Sài Gòn Thương Tín cho hay, dự kiến doanh số của công ty dịp Thần Tài năm nay tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước.