Giá vàng thế giới vọt tăng sau thông tin CPI Mỹ, giá vàng SJC vẫn “đứng ngoài”
Khảo sát đầu giờ sáng nay (14/12), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 66,3 – 67,1 triệu đồng/lượng, giảm nhẹ 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn ở ngưỡng 800 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội cũng giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua nhưng tăng 50 nghìn đồng/lượng chiều bán bán, đang niêm yết ở mức 66,2 – 67,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 900 nghìn đồng/lượng.
Giá vàng trong nước không có nhiều biến động trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá kim loại quý đang tăng khá mạnh, vượt mốc 1.800 USD/ounce sau khi dữ liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng ít hơn dự báo trong tháng 11, củng cố đặt cược Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chậm lại trong việc nâng lãi suất.
Hiện giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.810,4 USD/ounce, tăng tới 28,6 USD, tương đương 1,61% so với chốt phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 51,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 14,7 triệu đồng/lượng.
Vào ngày thứ Ba, Bộ Lao động Mỹ công bố so với cùng kỳ năm trước chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số đo lường chi phí mà người tiêu dùng chi trả cho hàng hóa và dịch vụ, tăng 7,1% trong tháng 11/2022, mức tăng này như vậy giảm đáng kể so với mức tăng 7,7% của tháng 10/2022.
Như vậy tính từ khi lạm phát Mỹ lập mức đỉnh vào tháng 6/2022 là 9,1%, từ thời điểm đó đến nay lạm phát Mỹ đã không ngừng hạ nhiệt.
Chỉ số CPI lõi, chỉ số không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, so với cùng kỳ năm trước tăng 6% trong tháng 11/2022 sau khi hạ nhiệt từ mức tăng 6,3% của tháng 10/2022.
Sau khi dữ liệu CPI được công bố, đồng USD đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong gần 6 tháng, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm.