Giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội
Một dự án nhà ở xã hội tại TP. Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN LUẬN. |
Theo Bộ Xây dựng, trong quý III, số lượng dự án nhà ở xã hội hoàn thành là 1 dự án với quy mô 200 căn.
Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 4 dự án với quy mô 2.084 căn. Một số dự án làm lễ động thổ như: Dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên với quy mô gần 1.500 căn; dự án nhà ở an sinh xã hội – khu 6 Vietsing – Bình Dương với quy mô 1867 căn; dự án nhà ở xã hội KT Home quy mô 523 căn chung cư, 23 căn liền kề.
Còn số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 3 dự án với quy mô 2.676 căn.
Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm 4 Ngân hàng gồm: Tiên Phong (TPBank), VPBank, MBBank và Techcombank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.
Qua tổng hợp, đến nay mới có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng Thông tin điện tử.
Kết quả giải ngân đến nay có tổng dư nợ là 1.783 tỷ đồng, trong đó, đối với khách hàng doanh nghiệp đã có 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng là 4.200 tỷ đồng, dư nợ là 1.633 tỷ đồng.
68 dự án còn lại chưa ký hợp đồng tín dụng cho vay theo chương trình 120.000 tỷ đồng; trong đó, 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và có 6 dự án đang được các ngân hàng thương mại thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.
Đối với người mua nhà, qua rà soát hiện nay nguồn vốn 120.000 tỷ đã giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, hồi cuối năm 2023, trả lời chất vấn trước Quốc hội, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, việc giải ngân còn hạn chế là do nguồn cung nhà thuộc đối tượng hạn chế. Nhu cầu nhà ở lớn nhưng nhu cầu đi vay để mua nhà lại là vấn đề người dân cân nhắc kỹ lưỡng.
Mặt khác, chương trình thực hiện thời gian dài 10 năm nên lãnh đạo Ngân hàng mong UBND các tỉnh thành phố sớm công bố danh mục các dự án thuộc diện cho vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân nắm rõ.
Gần đây nhất giữa tháng 6/2024, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay, đang đề xuất sửa đổi chương trình 120 nghìn tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn.
Ai được vay gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng 1. Đối tượng là cá nhân: - Đối với trường hợp mua nhà ở xã hội, nhà ở xã hội tại khu công nghiệp (nhà ở công nhân) thì đối tượng được vay gồm: Người có công với cách mạng theo quy định về ưu đãi người có công với cách mạng; những người có thu nhập thấp, thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; những đối được đã trả lại nhà ở công vụ theo khoản 5 Điều 81 Luật Nhà ở hiện hành; cá nhân, hộ gia đình bị thu hồi đất thuộc diện bị giải tỏa, phá dỡ nhà ở mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở. - Đối với trường hợp mua nhà ở thuộc các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thì chủ sở hữu nhà chung cư sẽ được bố trí tái định cư mà phải nộp thêm khoản tiền chênh lệch diện tích thì được vay vốn tại các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam. 2. Đối tượng là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư theo quy định về nhà ở. |
Xem thêm: Người lao động có thu nhập bao nhiêu một tháng được mua nhà ở xã hội?