Hé lộ kết quả kinh doanh quý 3 ngành điện: Thủy điện nhỏ lãi lớn
Trong quý 3, CTCP Thủy điện Nước Trong (mã NTH) là một trong những doanh nghiệp có lãi sau thuế tăng mạnh nhất trong số các doanh nghiệp ngành điện đã công bố báo cáo tài chính. Theo đó, trong quý 3, lãi sau thuế của Thủy điện Nước Trong 3 tăng 23 lần lên 10,5 tỷ đồng, doanh thu thuần tăng gấp đôi lên 26 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm công ty ghi nhận doanh thu 97 tỷ đồng, tăng 58% và lãi sau thuế 49,5 tỷ đồng, tăng 112% so với 9 tháng năm 2021.
Một doanh nghiệp thủy điện khác là CTCP Thủy điện A Vương (mã AVC) cũng có lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong quý 3, với lãi sau thuế đạt 180 tỷ đồng, gấp hơn 3,6 lần so với cùng kỳ, trong khi doanh thu thuần tăng hơn hai lần lên 298 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 744 tỷ và lãi sau thuế 454 tỷ, lần lượt tăng 76% và 140% so với cùng kỳ.
CTCP Thủy điện Sông Vàng (mã SVH) ghi nhận doanh thu tăng 68% so với cùng kỳ, lên 9,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) đạt 1,3 tỷ đồng - tăng hơn gấp đôi mức 518 triệu đồng trong quý 3/2021 song giảm mạnh so với mức 11,5 tỷ đồng trong quý 2 và 15,9 tỷ đồng đạt được trong quý 1/2022. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận tổng doanh thu 48 tỷ đồng và LNST gần 25 tỷ, lần lượt tăng 64% và 154% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, CTCP Thủy điện Srok Phu Miêng IDICO ghi nhận doanh thu thuần tăng 13,7% so với cùng kỳ lên 91,3 tỷ đồng và LNST tăng 18,5% lên 46,7 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 191 tỷ đồng và LNST đạt 85,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,8% và 42,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu thuần quý 3 của CTCP Thủy điện Miền Nam (SHP) cũng tăng nhẹ 3%, lên 243 tỷ đồng và LNST tăng 4% lên 137 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm công ty đạt doanh thu thuần 560 tỷ đồng, tăng 28% và LNST tăng gần 64% lên 277 tỷ đồng.
Giải trình kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt trong quý 3 và 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp thủy điện cho biết phần lớn là nhờ yếu tố thuỷ văn thuận lợi, lượng nước mưa lớn đổ về hồ chứa của các công ty lớn. Ngoài ra, nền kinh tế trong nước dần phục hồi cũng giúp lượng tiêu thụ điện tăng, tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các công ty.
Không chỉ các doanh nghiệp thủy điện, trong quý 3 kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp nhiệt điện cũng có khởi sắc nhờ giá vốn giảm.
Cụ thể, CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) tiếp tục chứng kiến lợi nhuận quý 3 tăng trưởng mạnh. Trong kỳ, doanh thu thuần của công ty tăng 59% lên 3.141 tỷ đồng, trong khi giá vốn tăng 57%, lên 2.905 tỷ. Mặc dù chi phí tài chính và chi phí quản lý đều tăng song công ty vẫn ghi nhận lãi sau thuế quý 3 đạt 147 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu thuần 8.155 tỷ đồng, tăng 31% và LNST đạt 745 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ.
Tương tự, LNST quý 3 của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Trong quý 3, doanh thu thuần của công ty đạt 3.070 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn giúp biên lãi gộp được cải thiện từ 1,6% lên 3,5% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 106 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, HND lãi sau thuế 41 tỷ đồng, gấp gần 7 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng, HND ghi nhận doanh thu đạt 8.273 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 578 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 216% so với cùng kỳ.
Trong báo cáo cập nhật ngành điện gần đây, SSI Research cho biết, nhu cầu điện năng trên toàn quốc ghi nhận mức tăng trưởng 14,7% so với cùng kỳ trong tháng 8/2022 và 6,5% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022, cao hơn nhiều so với mức tăng 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2022.
Tăng trưởng nhu cầu điện năng trong tháng 8/2022 phản ánh mức cơ sở so sánh thấp trong nửa cuối năm 2021 và đồng thời cũng dẫn dắt bởi mức tăng trưởng 15,6% so với cùng kỳ của chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 8/2022 (tăng 9,4% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022).
SSI Research dự báo nhu cầu điện trên toàn quốc năm 2022 có thể tăng 8% so với cùng kỳ.
Theo Cơ quan Quản trị Khí quyển và đại dương quốc gia của Hoa Kỳ, điều kiện thủy văn có thể kém thuận lợi hơn vào năm 2023. Cụ thể, hiện tượng La Nina kéo dài khoảng 30 tháng nếu tính tới cuối năm 2022 và tương đương với thống kê trong giai đoạn 1950-2019 (ngoại trừ giai đoạn La Nina kéo dài 42 tháng từ tháng 7/1998 đến tháng 12/2001). Trong trường hợp điều kiện thủy văn kém thuận lợi và giá khí điều chỉnh vào năm 2023, các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện khí có thể được huy động cao hơn.
Nguồn: NOAA (dự báo ngày 19/8/2022) |
Còn theo EIA, tình trạng thiếu khí gần đây ở EU đã làm tăng nhu cầu nhiệt điện than và đang thúc đẩy giá than tăng lên. Giá than trộn của Vinacomin đã tăng khoảng 30-35% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2022. Theo Genco2 và Genco3, QTP và HND thì chưa thấy việc điều chỉnh tăng thêm về giá than trộn; nhưng SSI Research cho rằng giá than trộn trong nước có thể sẽ tiếp tục tăng do giá than trong khu vực tăng cao.
Với đà giảm của giá khí, SSI Research đánh giá các nhà máy nhiệt điện khí sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với nhiệt điện than.
Về giá điện, SSI Research nhận định, giá điện trên thị trường cạnh tranh (giá CGM) có thể vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm trước. Giá CGM trong tháng 8/2022 ước tính vào khoảng 1.390 đồng/kwh (tăng 4% so với tháng trước và tăng 39% so với cùng kỳ). Mức giá CGM trong 8 tháng đầu năm 2022 là 1.427 đồng/kwh (tăng 35% so với cùng kỳ). Với việc giá than đầu vào cho nhiệt điện than tăng lên và nhu cầu điện trên toàn quốc tiếp tục phục hồi, giá CGM có thể duy trì mức giá của tháng 8/2022 trong 4 tháng cuối năm và giá CGM trung bình cả năm 2022 có thể đạt 1.400 đồng/kwh (tăng 41% so với cùng kỳ). Do đó, SSI Research điều chỉnh tăng 5% cho dự báo giá CGM năm 2022, lên mức 1.370 đồng/kwh.