Hé mở phân khúc bất động sản giao dịch nhiều nhất 3 tháng đầu năm 2024
Phân khúc căn hộ ghi nhận 3.700 giao dịch thành công, chiếm gần 60% tổng lượng giao dịch toàn thị trường 3 tháng đầu năm 2024. Ảnh minh họa: CTD. |
Phân khúc căn hộ giao dịch nhiều nhất
Bà Phạm Miền, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn Xúc tiến đầu tư bất động sản (BĐS) VARS cho biết, thị trường địa ốc quý I/2024 vừa qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nguồn cung nhà ở sơ cấp đạt khoảng 20.500 sản phẩm, trong đó có 4.300 sản phẩm mới, còn lại là hàng tồn của những dự án mở bán trước đó.
"Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở cuối quý I, khi các chủ đầu tư bắt đầu kích hoạt triển khai hàng loạt dự án, các hoạt động khởi công, sự kiện kick-off, "làm mới hàng cũ" diễn ra rầm rộ với quy mô ngày càng lớn. Một số dự án có tiến độ triển khai tốt đã chính thức nhận cọc.
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cũng cho thấy, làn sóng phục hồi đang ngày càng lan rộng. Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung sơ cấp đạt gần 31%, tương đương với khoảng 6.200 giao dịch, tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm trước. Các dự án mới mở bán, từ sản phẩm đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ,... đều ghi nhận mức độ quan tâm, giao dịch và giá bán tăng trưởng tốt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Một số thị trường được đánh giá là điểm sáng trong quý I/2024 như: Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ", bà Phạm Miền thông tin.
Ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, cho biết, phân khúc căn hộ tiếp tục “dẫn đầu" về tỷ trọng giao dịch. Cụ thể, phân khúc căn hộ ghi nhận 3.700 giao dịch thành công, chiếm gần 60% tổng lượng giao dịch toàn thị trường.
Theo vị này, giá thuê không ngừng tăng thúc đẩy nhu cầu mua nhà của người dân, đặc biệt là ở người trẻ đã có một phần tích lũy khi chủ đầu tư áp dụng nhiều chính sách ưu đãi như thanh toán giãn cách và hỗ trợ lãi suất,…Đồng thời, nhu cầu đầu tư trên thị trường vẫn rất lớn, kể cả nhu cầu cho phân khúc hạng sang, cao cấp chứ không riêng gì phân khúc đáp ứng nhu cầu ở thực.
Bên cạnh đó, thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều hơn nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân từ các dự án nhà ở xã hội mở bán. Ông Lê Đình Chung đánh giá, tình hình bán nhà ở xã hội ở một số tỉnh thành phát triển gắn liền các Khu công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên đã được cải thiện với lượng giao dịch tăng khoảng 30-40% so với cuối năm 2023.
Về giá bán, dữ liệu nghiên cứu của VARS cho thấy, giá BĐS ghi nhận nhiều dấu hiệu tăng trưởng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể, chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tiếp tục duy trì xu hướng tăng dần qua các quý, với mức tăng khoảng 8 điểm phần trăm so với quý trước và 48% so với quý I/2019.
Còn tại TP.HCM, chỉ số giá căn hộ tăng khoảng 2 điểm phần trăm so với quý trước và 21% với quý I/2019.
Liên quan đến giá bán căn hộ, một dữ liệu độc lập từ đơn vị nghiên cứu là Batdongsan cho hay, quý I/2024, chung cư ở Hà Nội có mức giá trung bình là 46 triệu đồng/m2, trong khi giá chung cư TP.HCM là 48 triệu đồng/m2. Ở thời điểm đầu năm 2018, giá rao bán chung cư Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 27 và 31 triệu đồng/m2. Sau 6 năm, tốc độ tăng giá trung bình của chung cư ở Hà Nội lên đến 70%, vượt cả TP.HCM nơi chung cư tăng giá 55%.
Mua nhà cần phải tỉnh táo, lựa chọn sản phẩm phù hợp khả năng tài chính và pháp lý tốt
VARS nhận định, ngay trong những tháng đầu năm, thị trường ghi nhận hiện tượng giá căn hộ chung cư, đất nền, thổ cư tăng “chóng mặt", cục bộ ở một số khu vực.
"Không thể phủ nhận, việc tăng giá có xuất phát từ cán cân cung - cầu thực. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, mới cho thấy có dấu hiệu hồi phục, thu nhập việc làm của người dân chưa thực sự ổn định trở lại mà giá lại tăng mạnh là bất thường. Mức giá tăng "nóng" trong thời gian ngắn, không có cơ sở, được nhận định có dấu hiệu tác động, tạo thông tin nhiễu loạn từ các nhóm đầu cơ tạo cung cầu ảo để đẩy giá, thổi giá, nhằm trục lợi.
Do đó, khách hàng mua và các nhà đầu tư BĐS cần phải tỉnh táo, lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính và pháp lý đảm bảo. Tuyệt đối không lao theo cơn “sốt", phong trào đám đông", VARS khuyến cáo.
Cũng theo VARS, với những tín hiệu khởi sắc từ thị trường BĐS, đã có khoảng 20-30% môi giới quay trở lại hoạt động so với thời điểm thị trường khó khăn nhất. Lượng lớn môi giới đã bỏ việc cũng đang có kế hoạch quay lại với ngành BĐS trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc ra quyết định quay trở lại làm môi giới BĐS cần phải nhắc đến việc đầu tư nâng cao năng lực và kiến thức khi điều kiện hành nghề siết chặt.