Hơn 4,6 triệu NLĐ được hỗ trợ tiền thuê nhà hơn 3,1 nghìn tỷ đồng
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 31 (khoá XII) tiếp tục làm việc trong ngày 30.11. Ảnh: Hải Nguyễn |
Trình bày Dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động Công đoàn năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 do Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết, thực tế cho thấy năm 2022 tổ chức Công đoàn tập trung cụ thể hóa chủ đề năm về chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động.
Công đoàn đã tổ chức, triển khai nhiều giải pháp trong Chương trình hành động 02 của Tổng Liên đoàn để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Ngay từ đầu năm 2022, các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp tăng cường nắm bắt tình hình lao động việc làm, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đồng hành trong thực hiện các biện pháp vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo nguồn nhân lực, thúc đẩy các hoạt động tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình lao động, việc làm, thu nhập người lao động.
Bên cạnh đó, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người lao động các thủ tục thụ hưởng chính sách của Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà, kết quả đã có hơn 4,6 triệu người lao động được hỗ trợ với tổng số tiền là hơn 3,1 nghìn tỷ đồng.
Tổng Liên đoàn xây dựng Đề án “Đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả đào tạo của hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030; ký kết chương trình phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động; tổ chức một số Hội nghị, Hội thảo khoa học nhằm tìm các giải pháp nhằm đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống cho người lao động. Tổng hợp, báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương, đề xuất các giải pháp khắc phục.
Chương trình nghỉ dưỡng cho đoàn viên công đoàn xuất sắc năm 2022 do Công đoàn Đường sắt Việt Nam tổ chức. Ảnh: Linh Nguyên |
Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2022, đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống...
Công đoàn các tỉnh, thành, ngành đã chỉ đạo công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp; tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động; tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể; báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động; kết nối các công đoàn cơ sở doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động...