Ít việc làm, chị Nguyễn Thị Nhung có thêm thời gian với con hơn, nhưng thu nhập cũng giảm đi, vì thế cuộc sống thêm phần khó khăn. Ảnh: Hạnh - Hân |
Ít việc, công nhân lao động phải nghỉ làm thường xuyên
Thôn Ô Cách, xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều nhà trọ dành cho công nhân làm trong Khu công nghiệp Yên Phong thuê.
Hơn 5 năm làm công nhân tại khu công nghiệp này, chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Nhung rơi vào cảnh ít việc, phải nghỉ làm, ở phòng trọ thường xuyên như thế này.
Trước đây, khi công việc ổn định, làm thêm thường xuyên, nữ công nhân này có thu nhập khoảng 12-13 triệu đồng/tháng; nếu không làm thêm, thu nhập chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/tháng.
Khoảng 1 tháng trở lại đây, công ty ít việc, một tháng, chị phải nghỉ việc khoảng 6-7 ngày. Công ty ít việc nên công nhân nào có việc bận, có con nhỏ cần chăm sóc nếu muốn nghỉ đều được công ty đồng ý.
“Những ngày nghỉ làm, tôi được hưởng 85% lương; tổng thu nhập một tháng bị giảm so với trước từ vài trăm nghìn đến gần 1 triệu đồng. Đối với công nhân, một vài trăm nghìn cũng đáng quý, vì cuộc sống xa nhà, có con nhỏ có rất nhiều thứ phải chi”, chị Nhung cho hay.
Trong 1 tháng, chị Nhung thường nghỉ không quá 10 ngày. Ít việc, được nghỉ ở nhà nhiều hơn, có thời gian chăm con nhỏ nhiều hơn, nhưng thu nhập giảm, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của công nhân như chị.
Tổng thu nhập của vợ chồng chị khoảng 15 triệu đồng/tháng, nhưng theo như lời chị nói, tiền kiếm được của tháng nào tiêu hết tháng đó, không để dành dụm được một đồng nào.
Tình cảnh khó khăn dịp cận Tết
Trọ cách nhà chị Nhung không xa, chị Hoàng Thị Mai (quê Lạng Sơn) cũng chưa bao giờ phải trải qua quãng thời gian ít việc như hiện nay.
“So với các xưởng khác trong công ty, xưởng nơi tôi làm vẫn có việc, chỉ là không được tăng ca. Trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, công ty tổ chức tăng ca nhiều, còn hiện nay, số giờ tăng ca cả tháng dưới 25 tiếng. Thi thoảng tôi mới đi tăng ca”, chị Mai cho hay.
Nếu đi làm 5 ngày một tuần, 1 tháng làm thêm 2 ngày thứ 7, thu nhập của chị Mai được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ít được tăng ca, đồng nghĩa với thu nhập của nữ công nhân này giảm đi đáng kể, chỉ còn khoảng 8 triệu đồng/tháng.
“Chồng tôi cũng có thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. Chúng tôi chi tiêu tiết kiệm, chỉ dùng hết thu nhập của chồng; còn lương của tôi phải dành dụm để trả nợ tiền xây nhà ở quê”, nữ công nhân cho biết.
Ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh - cho biết, qua nắm bắt, trong các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh có tình trạng doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, công nhân bị giảm giờ làm. Hiện nay, Công đoàn các Khu công nghiệp đang yêu cầu các công đoàn cơ sở báo cáo về tình hình này.
“Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo chế độ cho người lao động bị giảm giờ làm. Theo đó, các doanh nghiệp cam kết đảm bảo tiền lương; thưởng Tết đầy đủ cho người lao động, ở mức giống như năm ngoái”, ông Nguyễn Thế Quyết cho biết.