Kỹ sư IT bỏ phố về quê, khởi nghiệp bằng mô hình trồng rau hộ
Mô hình trồng rau hộ bằng smartphone trên mảnh đất rộng 3ha của anh Phương. Ảnh: Tường Minh |
Mô hình trồng rau sạch trên mảnh đất rộng 3ha của anh Phương. Ảnh: Tường Minh |
Mô hình trồng rau hộ
Năm 2007, anh Nguyễn Tấn ̣Phương (trú phường Chính Gián, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM, sau đó tiếp tục làm kỹ sư công nghệ thông tin tại TP.HCM.
Trong một lần được tiếp xúc với mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao của Nhật, anh Phương nhận thấy năng suất mang lại rất cao nên nuôi ý định khởi nghiệp bằng nông nghiệp kết hợp với công nghệ.
Năm 2017, anh Phương trở về quê nhà tại Đà Nẵng và thuê một mảnh đất rộng 3ha tại xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang để tiến hành thiết kế mô hình. Vốn sẵn là người rành công nghệ nên giai đoạn đầu, anh chỉ cần tìm hiểu kiến thức về nông nghiệp, thổ nhưỡng… và bắt tay vào xây dựng nhà màng.
Điều đặc biệt ở mô hình của anh là ngoài việc kết hợp trồng rau thủy canh với tự động hóa thì khách hàng còn được tự tay lựa chọn hạt giống, chăm sóc thông qua một ứng dụng có tên là Afarm - Farm on smartphone.
“Cách thức hoạt động của ứng dụng này là khi khách hàng tải và cài đặt, đăng ký tài khoản thì được lựa chọn hạt giống gieo trồng trong ứng dụng, cùng với đó thì tại trang trại, nhân viên sẽ xuống giống y hệt như thông tin trong ứng dụng báo về.
Ứng dụng sẽ báo cho khách hàng về thời gian sinh trưởng, nhiệt độ, nồng độ dinh dưỡng... cho đến tận ngày thu hoạch, rau sẽ được giao trực tiếp đến địa chỉ đã cung cấp” - anh Phương cho biết.
Nhờ đó, thông qua chiếc smartphone, khách hàng có thể theo dõi được tình trạng cũng như quản lý được chất lượng của sản phẩm nên yên tâm về độ an toàn.
Ngoài ra, trên ứng dụng còn có cẩm nang về cách chăm sóc cũng như thông tin về các hạt giống gieo trồng.
Anh Nguyễn Tấn Phương quan sát tiến độ sinh trưởng của rau trong nông trại. Ảnh: Văn Trực |
Anh Phương cho hay, việc thiết kế mô hình với mục đích cung cấp thực phẩm sạch, giúp người sử dụng được tương tác với công việc trồng rau. Ngoài ra, giá thành còn thấp hơn rất nhiều so với việc mua nông sản sạch tại các siêu thị.
“Bên tôi dựa theo hình thức từ nông trại đến bàn ăn để đảm bảo cho người dân một bữa ăn sạch, khỏe. Ngoài ra, với việc bỏ ra từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng cho mỗi tháng giúp tiết kiệm chi phí rất nhiều so với việc mua rau sạch tại các siêu thị” - anh Phương chia sẻ.
Về khâu đóng gói, nông trại sử dụng màng bao gói khí quyển biến đổi (màng MAP) để bảo quản và sản phẩm sẽ được hái và giao cho khách hàng trong ngày nên luôn đảm bảo được độ tươi xanh.
Mô hình của anh Phương hiện tại có hơn 100 khách hàng đăng ký thành viên. Trung bình, mỗi ngày thu hoạch gần 100kg rau, củ để cung cấp ra thị trường.
Nghiên cứu thêm những sản phẩm mới
Sắp tới, anh Phương đang sản xuất đông trùng hạ thảo bằng phòng lạnh với diện tích 25m2 hoàn toàn bằng tự động hóa.
Mỗi tháng, sản lượng cho ra được 6.200 hộp đông trùng hạ thảo (khối lượng từ 120-150gr) với giá thành 250 nghìn đồng/1 hộp.
Cùng với đó, anh nghiên cứu thêm một số sản phẩm như đông trùng hạ thảo sấy lạnh; ngâm rượu; ngâm mật ong để đa dạng hóa sản phẩm.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo do anh Phương nghiên cứu, dự kiến sau khi hoàn thành khâu thủ tục về mặt pháp lý sẽ cung cấp ra thị trường. Ảnh: Tường Minh |
Bên cạnh đó, anh đang nghiên cứu làm các sản phẩm từ rau như: Bột rau; thực phẩm chức năng... để giải quyết bài toán “sáng rau, chiều rác”.
“Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu thêm mô hình nuôi cá để làm phân bón cho rau, nhằm đảm bảo được thêm độ an toàn cũng như hạn chế được chi phí, nhất là trong thời điểm phải nhập phân từ những đơn vị bên ngoài với giá thành cao” - anh Phương nói.
Hiện tại, mô hình của anh đang tạo thu nhập cho 5 lao động với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.