Làm thế nào để xoá vùng trũng logistics ở ĐBSCL?
Lúa Hè Thu thu hoạch trong mùa mưa bão, nhu cầu về logistics của nông dân và doanh nghiệp càng cấp bách hơn |
Logistics được hiểu là dịch vụ vận chuyển, cung ứng hàng hóa theo phương thức tối ưu nhất từ nơi sản xuất đến nhà máy chế biến sau đó xuất khẩu và đến tay người tiêu dùng. ĐBSCL là vựa lúa, thủy sản và trái cây của cả nước nhu cầu logistics rất lớn, nhất là vào vụ thu hoạch lúa gạo, cây trái như hiện nay.
Thiếu kho, bãi tại các vùng sản xuất nông nghiệp lớn và cửa khẩu khiến chi phí logistics của nông sản Việt Nam đã rất cao lại càng cao hơn nữa.
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (XNK) Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu nông thủy sản rất lớn. Điểm chung của nông thủy sản tươi sống cần tiêu thụ ngay sau giai đoạn thu hoạch, như trái cây, hoa và thủy sản tạo áp lực tiêu thụ rất nặng nề và đòi hỏi khâu sơ chế là yêu cầu rất lớn. Bên cạnh đó cũng có các loại nông sản áp lực tiêu thụ được giảm nhẹ hơn một chút, như cà phê, hồ tiêu, điều, gạo …
“Đặc điểm của hàng nông sản cần đảm bảo tươi sống và có giá trị trong một thời gian ngắn nên dịch vụ logistics đòi hỏi phải có tính chuyên nghiệp, và việc đầu tư hạ tầng kho bãi tốn kém hơn so với các loại hàng hóa khác.
Chính vì vậy cho đến nay nhiều doanh nghiệp logistic chưa mặn mà. Gần đây dịch vụ logistics chỉ mới phát triển mạnh ở một số tỉnh/thành thuộc khu vực kinh tế trọng điểm, trong khi nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung lại thiếu vắng loại hình dịch vụ này. Tình trạng thiếu kho, bãi tại các vùng sản xuất nông nghiệp lớn và cửa khẩu gây ùn tắc cũng khiến chi phí logistics của nông sản Việt Nam đã rất cao lại càng cao hơn nữa”, Phó cục trưởng Cục XNK nói.
Theo tính toán, hiện tại chi phí logistics của nông sản Việt chiếm từ 25 - 30% trong giá thành sản phẩm, trong khi Thái Lan chỉ chiếm khoảng 12,5% và thế giới trung bình là 11%.
Mới đây các ngành hàng xuất khẩu như gỗ, gạo, trái cây, thủy sản đã gặp nhiều khó khăn khi không thể nào thuê được container rỗng, mặc dù giá thuê cao rất nhiều lần so với trước đây.
Hiện cả nước hiện chỉ có 48 đơn vị làm nhiệm vụ bảo quản nông thủy sản, cùng hàng chục ngàn phương tiện xe lạnh và container lạnh phục vụ vận chuyển, nhưng số lượng đó chưa đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của nông thủy sản tươi cũng như phục vụ chế biến xuất khẩu.
Ngoài ra, vấn đề hạ tầng cầu cảng cũng đang là lực cản đối với sản xuất và xuất khẩu nông sản, đặc biệt là cảng nước sâu bên cạnh đó do sự phân bổ không đồng đều, và chưa hợp lý của hệ thống logistics trong nông nghiệp cũng làm giảm khả năng cung ứng hiệu quả của hệ thống này.
Có 3 lực cản lớn trong lĩnh vực đầu tư logistics
Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đang đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, khoảng 65% sản lượng thủy sản và khoảng 70% sản lượng trái cây xuất khẩu của cả nước, và nhu cầu vận chuyển hàng hóa khoảng 18 triệu tấn/năm.
Do thiếu thiếu các trung tâm logistics và các hệ thống trung tâm logistics vệ tinh, bãi container rỗng, các cảng nước sâu cho tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa, nên có tới 70% lượng hàng hóa của ĐBSCL phải đưa đến các cảng lớn ở TP.HCM, cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao từ 10% - 40% tùy từng chuyến hàng. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh hàng hóa.
Với góc độ quản lý, ông Trần Thanh Hải cho rằng hình thành các trung tâm logistics để hỗ trợ thông thương hàng nông sản đang là yêu cầu cấp bách hiện nay. Hiện nay, thu hút đầu tư trong logistics nói chung và logistic trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng đang là một ưu tiên, và phía các cơ quan quản lý Nhà nước đang mong muốn thúc đẩy. Tuy nhiên, đứng ở góc độ doanh nghiệp điều đó chưa phải dễ dàng làm được ngay, vì 3 lực cản lớn:
Trước hết là vấn đề về nhận thức. Đây là tầm quan trọng của hoạt động logistic trong việc gắn với sản xuất nông nghiệp, song hiện nay có thể có nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được điều đó.
Điểm ngần ngại thứ hai là quy trình giải quyết thủ tục đầu tư, nhất là những thủ tục đầu tư liên quan đến đất đai ở các địa phương, khiến các doanh nghiệp rất ngần ngại.
Ví dụ, muốn xây dựng trung tâm logistics kho lạnh thì phải đưa vào quy hoạch và phê duyệt quy hoạch hiện nay của tỉnh.
Quy hoạch đó có thể phải mất thời gian điều chỉnh rất lâu, và sau đó mới có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất và một số những quy trình khác thường phải mất từ 2 đến 3 năm. Đó là một lực cản rất lớn, không chỉ với nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, đầu tư cho hạ tầng logistic trong nông sản nhất là kho lạnh yêu cầu vốn đầu tư cao hơn so với hạ tầng logitic phục vụ cho mục đích khác.
Điều này đồng nghĩa với việc hòa vốn của doanh nghiệp là rất lâu, và trong nông sản thường làm hàng khối lượng lớn nhưng giá trị trên một đơn vị khối lượng lại thấp nên chi phí thu được trong việc khai thác dịch vụ, như thuê kho lạnh sẽ ở mức thấp và đồng nghĩa với việc thời gian thu hồi vốn sẽ kéo dài.
“Chính vì vậy, Nhà nước cần có một cơ chế để thu hút hỗ trợ, động viên doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực logistics, như hỗ trợ tiền điện cho các kho lạnh, vì kho lạnh sử dụng điện rất nhiều.
Vừa rồi Bộ Công thương đã có tính toán có thể áp dụng cơ chế giá điện sản xuất cho các kho lạnh thay vì giá điện kinh doanh. Tuy nhiên về phía địa phương nếu thu hút đầu tư trong lĩnh vực này liệu địa phương có cơ chế hỗ trợ một phần chi phí về tiền điện cho các đơn vị kinh doanh kho lạnh hay không. Hoặc các chi phí về giải phóng mặt bằng và những chi phí liên quan đến thủ tục đầu tư”, ông Hải đặt vấn đề.