Lo ngại về một cuộc “khủng hoảng” thừa văn phòng cho thuê
Báo cáo mới đây của JLL Việt Nam, cho biết trong quý đầu năm 2023, nguồn cung phân khúc văn phòng cho thuê tăng. Diện tích văn phòng hạng A tại TP.HCM hiện đạt trên 308.325 m2, tăng thêm 16.200 m2 so với quý trước. Giá thuê trung bình văn phòng hạng A ở khu vực trung tâm TP.HCM trong quý I ghi nhận quanh mức 47,5 USD/m2/tháng, giảm 0,5% so với quý trước. Khu vực ngoài trung tâm, giá thuê được ghi nhận ở mức 27,1 USD/m2/tháng, không có nhiều biến động.
Trái ngược với nguồn cung, nhu cầu thuê trong quý I sụt giảm khiến tỷ lệ trống phân khúc văn phòng khu vực trung tâm tại TP.HCM tăng lên 5,6%.
Còn tại Hà Nội, nhu cầu văn phòng hạng A khu trung tâm cũng tiếp tục chậm lại trong bối cảnh các doanh nghiệp lo ngại vấn đề kinh tế bất ổn. Điều này được phản ánh thông qua tỷ lệ hấp thụ thuần trong quý I tại Thủ đô chỉ đạt 3.637 m2, giảm 17,6% theo quý và giảm 16,8% theo năm.
Chuyên gia của JLL lý giải, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một số khách hàng thuê văn phòng hạng A tại khu vực trung tâm đã chuyển sang lựa chọn phương án tiết kiệm hơn bằng cách thuê tòa nhà hạng B, nhà phố thương mại, hoặc "dạt" ra vùng ven.
Phân khúc văn phòng cho thuê vẫn là điểm sáng. |
Theo JLL Việt Nam, tới cuối năm 2023, một dòng cung mới khoảng 64.000 m2 sẽ gia nhập thị trường và dự kiến đẩy tỷ lệ trống tại các tòa nhà văn phòng tại Hà Nội lên cao hơn trong bối cảnh nguồn cầu hồi phục với tốc độ chậm. Tại TP.HCM, sức cạnh tranh cũng được dự báo tăng, bởi trong bối cảnh khả năng hấp thụ giảm thì nguồn cung văn phòng hạng A sẽ tăng khoảng 84.000 m2, với 2 dự án The Hallmark và The MEET.
Trước những lo ngại về một cuộc "khủng hoảng" thừa văn phòng hạng A tại khu vực trung tâm, chuyên gia cho rằng, có thể tỷ lệ hấp thụ giảm do nguồn cung mới tăng, song tiềm năng tăng trưởng của phân khúc văn phòng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Điểm mấu chốt nằm ở việc doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng, lên kế hoạch sớm cho việc thay đổi văn phòng, đặt chất lượng dự án và uy tín của chủ đầu tư lên hàng đầu.
Với những bước chuẩn bị kĩ càng, khách thuê doanh nghiệp mới có thể tránh được các chi phí không đáng có trong quá trình cho thuê, kiếm soát được rủi ro, đặc biệt là hài lòng với nơi được chọn làm văn phòng và gắn bó lâu dài.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần cân nhắc đa dạng sản phẩm, thay vì "tất tay" tại khu vực trung tâm thì nên phát triển văn phòng cho thuê ở khu vực ngoài trung tâm. Đồng thời, không nên chạy đua về giá, gây mất sức cạnh tranh, khách "tháo chạy" khỏi vùng lõi quá đắt đỏ.
Hiện, thị trường văn phòng của Việt Nam có lợi thế về giá thuê thấp hơn so với các nước trong khu vực, có tiềm năng rất tốt, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng những toà nhà chất lượng cao. Đặc biệt, các kết quả thăm dò chỉ ra “cơn khát” văn phòng ở TP.HCM và Hà Nội có thể kéo dài đến năm 2025. Đây là cơ sở rất tốt để các doanh nghiệp giàu tiềm lực trong và ngoài nước cân nhắc nhảy vào phân khúc này để đón đầu cơ hội, giành lấy thị phần.