Đến thời điểm hiện tại, một loạt doanh nghiệp lớn ngành thép như Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, VNSteel, Đầu tư thương mại SMC, Gang thép Thái Nguyên… đã công bố kết quả kinh doanh quý 4 với doanh thu sụt giảm mạnh và lợi nhuận tăng trưởng âm quý thứ hai liên tiếp.
THÊM MỘT QUÝ LỖ “THÊ THẢM”
Trong bối cảnh ngành thép gặp nhiều khó khăn trong năm 2022, với thị phần lớn nhất ngành, Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cũng là doanh nghiệp “ngấm đòn” nhiều nhất. Trong quý cuối cùng của năm 2022, doanh thu của “anh cả” ngành thép giảm 42% so với cùng kỳ, xuống mức 26.000 tỷ đồng. Tập đoàn này cũng ghi nhận mức lỗ sau thuế kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 8.000 tỷ. Quý trước đó, Hòa Phát đã lỗ gần 1.800 tỷ đồng - lần thua lỗ đầu tiên kể từ cuối năm 2008.
Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế (LNST) cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021.
Như vậy, mức lỗ trong quý 4 của Hòa Phát lớn hơn rất nhiều lần so với dự báo trước đó của các công ty chứng khoán. Cụ thể, SSI Research từng dự báo Hòa Phát lỗ khoảng 270 tỷ đồng trong quý 4 và 10.200 tỷ đồng cả năm 2022; trong khi, Chứng khoán KIS dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của Hòa Phát lần lượt đạt 137.400 tỷ đồng và 10.600 tỷ đồng, tương ứng giảm 69% so với mức lãi ròng kỷ lục của năm 2021.
Năm 2022, Hòa Phát đề ra mục tiêu doanh thu hợp nhất 160.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với thực hiện năm ngoái và là mức cao chưa từng thấy trong lịch sử tập đoàn. LNST đạt 25.000 - 30.000 tỷ đồng, thấp hơn 13-28% so với năm 2021. Tuy nhiên với kết quả như trên, Hòa Phát mới thực hiện gần 89% kế hoạch doanh thu năm 2022 và gần 34% mục tiêu LNST mức thấp của cả năm.
Cũng ghi nhận mức lỗ kỷ lục hai quý liên tiếp, lợi nhuận của CTCP Đầu tư thương mại SMC (mã SMC) âm tới hơn 550 tỷ đồng trong quý 4, sau khi đã lỗ sau thuế 188 tỷ đồng trong quý 3. Tính chung cả năm, doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 645 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 900 tỷ đồng.
Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã TLH) cũng có quý “đi giật lùi” đầu tiên sau 9 quý lãi liên tiếp. Quý 4/2022 doanh nghiệp lỗ kỷ lục hơn 114 tỷ đồng (quý 3 vẫn lãi gần 7 tỷ đồng), và gần như thổi bay thành quả của các quý đầu năm, kéo lãi sau thuế cả năm còn vỏn vẹn gần 8 tỷ đồng.
Dù cùng ghi nhận quý lỗ thứ hai liên tiếp, song tình hình của Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) khá hơn đôi chút khi mức lỗ đã giảm so với quý trước. Theo đó, Hoa Sen ghi nhận lỗ 680 tỷ đồng trong quý 1 niên độ 2022-2023 (1/10-31/12/2022), giảm đáng kể so với mức lỗ sau thuế kỷ lục 887 tỷ đồng trong quý trước đó.
Tương tự, CTCP Thép Nam Kim (mã NKG) cũng đã bớt lỗ so với quý 3. Lỗ sau thuế của doanh nghiệp trong quý 4 còn 356 tỷ đồng (quý 3 là gần 419 tỷ đồng). Lũy kế cả năm 2022, Thép Nam Kim lỗ 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.225 tỷ đồng.
Tổng công ty thép Việt Nam - VNSteel (mã TVN) báo lỗ sau thuế hơn 410 tỷ đồng trong quý 4 sau khi đã lỗ 535 tỷ đồng vào quý 3. Tính chung cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỷ đồng, trong khi năm ngoái có lãi gần 860 tỷ đồng. Đây là năm lỗ đầu tiên của VNSteel kể từ năm 2014.
Một doanh nghiệp khác là Gang thép Thái Nguyên (mã TIS) cũng giảm lỗ trong quý 4, còn 17 tỷ đồng. Tính chung cả năm, TIS lỗ hơn 9 tỷ đồng (năm ngoái lãi 122 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, dù doanh thu giảm 29% do tiêu thụ giảm, Thép Vicasa – VNSteel (mã VCA) vẫn có lãi ròng gần 7 tỷ đồng trong quý 4/2022, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 24 tỷ đồng trong quý 3. Tương tự, Thép Thủ Đức – VNSteel (mã TDS) cũng báo lãi gần 15 tỷ đồng trong quý 4, sau khi lỗ gần 22 tỷ đồng trong quý trước đó.
MỨC LỖ ĐÃ CHẠM ĐÁY, XUẤT HIỆN TÍN HIỆU HỒI PHỤC?
Kết quả kinh doanh của ngành thép trong năm 2022 có thể “thảm” hơn dự báo của các công ty chứng khoán song cũng đã nằm trong dự liệu của một số lãnh đạo doanh nghiệp như lời Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long đã cảnh báo từ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 diễn ra hồi tháng 5.
“Mọi người cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3 và hết năm rồi sẽ thấy tại sao chúng tôi thận trọng. Kế hoạch năm nay là khó. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi”, ông Long nói tại đại hội trên.
Trong năm qua, ngành thép đã gặp không ít khó khăn khi giá nguyên vật liệu, đặc biệt than cốc tăng mạnh bởi xung đột Nga – Ukraine khiến giá thành sản xuất thép tăng, đẩy giá vốn tồn kho tăng cao. Cuộc xung đột này cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy chi phí logistics tăng cao, gây áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp thép.
Bên cạnh đó, giá bán thép tiếp tục rơi nhanh khiến doanh thu của các doanh nghiệp thép giảm, cộng thêm việc giá vốn chịu thêm áp lực dự phòng hàng tồn kho.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát làm lãi suất tăng mạnh, tỷ giá USD leo dốc cũng tác động làm tăng chi phí tài chính của các doanh nghiệp.
Nguồn: VSA |
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, cũng giảm hơn 19% so với năm ngoái.
“Trong khi nền kinh tế Việt Nam ghi nhận những điểm sáng với ước tính GDP năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước do nền kinh tế được khôi phục trở lại và đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022… thì đối với ngành thép Việt Nam, 2022 là một năm đầy thách thức, đó là thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ”, VSA nhận định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thua lỗ, thậm chí lỗ kỷ lục, ngành thép đã xuất hiện một số tín hiệu phục hồi. Trong bản công bố về kết quả kinh doanh quý 4, Tập đoàn Hòa Phát cho rằng “ngành thép hiện đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục”. Bản thân doanh nghiệp này đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt.
Nhận định của Hòa Phát không phải không có căn cứ khi sản lượng tiêu thụ của ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng đã có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng cuối cùng của năm 2022 sau nhiều tháng sụt giảm liên tiếp.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép toàn cầu ước tính giảm 2,3% trong năm 2022 song dự báo sẽ tăng 1% trong năm 2023 và đạt 1.815 triệu tấn. Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ là tín hiệu tốt giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu thép xây dựng phục hồi. Nhu cầu sản xuất công nghiệp tăng tại quốc gia này cũng sẽ giúp chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục. Giá bán thép nhờ đó được kỳ vọng tăng trở lại.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể sẽ hỗ trợ nhu cầu thép trong nước, đặc biệt là thép xây dựng. Tuy nhiên, sự phục hồi nhu cầu thép nội địa nhiều khả năng vẫn chưa có nhiều chuyển biến khi ngành bất động sản dự kiến vẫn còn gặp khó khăn trong năm 2023.