Nhiều lao động lo lắng chế độ quyền lợi bị giảm sau tăng lương. (Ảnh minh họa) |
Chị Phạm Thị Hoài, công nhân tại một công ty may thuộc Khu công nghiệp Việt Hưng (Quảng Ninh) cho biết, mức lương cơ bản hằng tháng của chị trước đây là 4.129.000 đồng, từ ngày 01/7 công ty chị có thông báo về điều chỉnh tiền lương tăng thêm 280.000 đồng. Nếu tháng nào tăng ca thì chị sẽ nhận thêm khoản 900.000 đồng cho 30 tiếng.
"2 năm qua lương tối thiểu không tăng, lại gặp dịch bệnh đói kém, cuộc sống của công nhân chúng tôi rất vất vả. Năm nay, khi có quyết định tăng lương tối thiểu của Chính phủ, công ty điều chỉnh tăng lương, tuy số tiền lương tăng này chưa thể giải quyết hết khó khăn nhưng đây là động lực lớn để chúng tôi làm việc", chị Hoài nói.
Ngoài tiền lương, chị Hoài cho biết, hằng năm công ty còn có thưởng dịp lễ, tết như Tết Nguyên đán, Tết Dương lịch, 30/4, 2/9, 20/10 hoặc quà tặng hiện vật và các khoản phụ cấp hằng tháng mà chị nhận được là phụ cấp chức vụ/kỹ thuật 500.000 đồng, phụ cấp độc hại 210.000 đồng, trợ cấp đi lại 230.000 đồng, trợ cấp nhà ở 200.000 đồng, ngoài ra còn thưởng khuyến khích công việc 310.000 đồng.
Tuy nhiên chị Hoài cho biết, ngay từ khi có quyết định tăng lương từ 01/7 chị đã nghe thông tin rằng có khả năng nếu không cân đối được quỹ lương thì công ty chị sẽ giảm đi một vài khoản phụ cấp, nên chị và đồng nghiệp cũng khá hụt hẫng về vấn đề này, vì nếu như vậy tức là "tăng như không tăng".
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, tình trạng tăng lương nhưng giảm phụ cấp đã diễn ra tại một số doanh nghiệp, tuy nhiên chủ yếu là các doanh nghiệp chưa quan tâm tốt đến người lao động. Tình trạng này gây ra bức xúc cho người lao động khiến họ thiếu gắn bó với doanh nghiệp từ đó gây ảnh hưởng đến năng suất chất lượng, hiệu quả công việc.
Các chế độ của doanh nghiệp đối với người lao động, từ tiền ăn ca, chuyên cần hay tiền thưởng, lễ, tết,... đều phải chia ra 3 trường hợp:
Thứ nhất, những chế độ chính sách nào mà pháp luật quy định bắt buộc phải có thì phải thực hiện, ví dụ như tiền bồi dưỡng đối với công việc độc hại.
Thứ hai, là chế độ chính sách mà trong hợp đồng lao động quy định có, trong thỏa ước tập thể đang có hoặc trong các thông báo, các quyết định, quy chế khác của doanh nghiệp đã thông báo lên không được cắt giảm, nếu cắt là trái luật.
Tất nhiên, có những chính sách trong hợp đồng, chính sách của công ty nhưng không quy định rõ tên, số lượng, định lượng bao nhiêu thì nếu cắt giảm phải trao đổi thương lượng với người lao động và cụ thể là tổ chức công đoàn cơ sở.
Thứ ba, là những chế độ doanh nghiệp thực hiện nhưng không có văn bản, quy định, thông báo nào cả, thì khi cắt giảm cũng phải trao đổi thống nhất trước với lao động và tổ chức đoàn để tránh sự bất bình.
Đồng chí Vũ Minh Tiến cho rằng nếu trong trường hợp doanh nghiệp không thể giữ được các phúc lợi thì phải bàn bạc trao đổi thống nhất 2 bên để làm sao cân đối được. "Trong điều kiện giá cả tiêu dùng tăng như hiện nay thì phúc lợi cho người lao động thậm chí còn phải tăng lên, ví dụ như tiền đi lại, hầu như các doanh nghiệp đều có thì bây giờ xăng tăng giá thì sao? Hoặc tiền hỗ trợ con nhỏ, tiền ăn ca…", đồng chí Tiến nêu quan điểm.
Về phía người lao động cũng phải có thái độ tích cực chia sẻ cùng doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có điều kiện chăm sóc lại, nâng cao đời sống người lao động.
Ngoài ra, công đoàn các công ty cũng phải kịp thời nắm bắt ý kiến phản ứng của người lao động và khó khăn của doanh nghiệp để cùng tháo gỡ, nếu không được thì báo cáo ngay công đoàn cấp trên để kịp thời giải đáp hỗ trợ, tránh bất bình trong quan hệ lao động và đình công tự phát.