Masan rót thêm 3.600 tỷ vào chuỗi Phúc Long, nâng định giá vượt 10.000 tỷ
Masan đang đẩy mạnh mở rộng kinh doanh thông qua chuỗi cửa hàng cà phê và các lĩnh vực kinh doanh khác - Ảnh: Masan |
Theo báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN), vào ngày 1/8/2022, Công ty TNHH The SHERPA - một công ty con sở hữu gián tiếp của Masan - đã mua thêm gần 10,84 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của CTCP Phúc Long Heritage. Sau giao dịch, Masan Group tăng sở hữu tại Phúc Long Heritage từ 51% lên 85%.
Đáng chú ý, tổng số tiền Masan chi ra để mua 34% cổ phần của Phúc Long Heritage ở lần mua thứ ba này lên tới gần 3.618 tỷ đồng, tương đương mức định giá hơn 450 triệu USD (khoảng 10.640 tỷ đồng), gấp 6 lần mức định giá ở lần mua đầu tiên.
Masan bắt đầu rót vốn vào Phúc Long từ tháng 5/2021 khi công bố thông qua The Sherpa để mua 20% vốn Phúc Long với giá 15 triệu USD (khoảng 345 tỷ đồng), tương ứng định giá 75 triệu USD, khoảng hơn 1.700 tỷ đồng.
Đến tháng 1/2022, Masan tiếp tục thông qua The Sherpa mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này. Ở lần mua này Masan đã chi ra 110 triệu USD (2.490 tỷ đồng), tương ứng định giá 355 triệu USD (khoảng hơn 8.000 tỷ đồng).
Sau khi trở thành cổ đông chi phối, Masan bắt đầu hợp nhất kết quả kinh doanh của Phúc Long trong tháng 2 và 3 của quý 1 năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm, Phúc Long Heritage ghi nhận doanh thu 820 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) đạt 117 tỷ đồng, giảm do gia tăng đầu tư vào mở rộng quy mô chuỗi kiosk hiện vẫn cần thời gian để tối ưu hoạt động.
Trích báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của Masan |
Báo cáo soát xét bán niên của Masan Group ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính 6 tháng đầu năm vượt 1.591 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó đáng chú ý là bên cạnh lãi thu từ tiền gửi, cho vay, hoạt động đầu tư và doanh thu tài chính khác, Masan còn lãi thêm 516 tỷ đồng từ việc đánh giá lại giá trị khoản đầu tư trước đây vào Phúc Long Heritage, trong khi cùng kỳ không phát sinh.
Lý giải về nguyên nhân lợi nhuận của tập đoàn tăng trong nửa đầu năm, Masan cho biết một phần là nhờ sự đóng góp của khoản định giá lại khoản đầu tư vào Phúc Long. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 2.576 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so cùng kỳ năm trước.
Về hoạt động của chuỗi Phúc Long, tính đến cuối quý 1/2022, Phúc Long đã vận hành 78 cửa hàng flagship, 760 kiosk và 13 cửa hàng nhỏ. Năm nay chuỗi dự định sẽ mở mới 100 cửa hàng flagship, 400 kiosk tại các điểm bán của WinMart, WinMart+. Mục tiêu cả năm của chuỗi là đạt doanh thu từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng.