Ngân hàng Nam Á: "Lách" lãi suất lên tới 11,2% bằng chứng chỉ tiền gửi
Ngân hàng "đi đêm" lãi suất
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, vừa qua các tổ chức tín dụng đã liên tục triển khai giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, từ 6/3/2023, hệ thống ngân hàng có nhiều đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn, không chỉ kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Hiệp hội Ngân hàng và các ngân hàng hội viên đã thống nhất mức lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn tối đa không vượt 9,5%/năm. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp, thực tế tại một số ngân hàng vẫn có tình trạng "lách" luật để hút vốn vào ngân hàng với lãi suất cao hơn quy định.
Việc khách hàng gửi tiền tỷ, ngân hàng chào mời mức lãi suất cao hơn nhiều so với mức lãi suất niêm yết công khai đang đặt ra câu hỏi về sự minh bạch, ngầm cạnh tranh của các ngân hàng trong huy động vốn.
Ngày 10/3, chị H. (Hà Nội) nhận được tin nhắn của một nhân viên giới thiệu đang làm việc tại một chi nhánh Nam A Bank cũng ở Hà Nội, tư vấn về lãi suất của nhà băng này.
Trao đổi với chị H., nhân viên ngân hàng này cho hay lãi suất tiết kiệm 1 tỷ đồng của Nam A Bank đang là 10,6% kỳ hạn 6 tháng và 10,3% kỳ hạn 12 tháng ở thời điểm ngày 10/3. Trong khi đó, tại website chính thức của ngân hàng, khách hàng sẽ hưởng lãi suất 8% cho kỳ gửi 6 tháng và khách hàng gửi kỳ hạn 12 tháng lãi cuối kỳ với khoản tiền gửi dưới 500 tỷ đồng: áp dụng lãi suất kỳ hạn 14 tháng lãi cuối kỳ là 10,1%.
Mức lãi suất niêm yết trên website thấp hơn mức lãi suất nhân viên ngân hàng chào mời khách hàng. |
Lách bằng chứng chỉ tiền gửi
Đáng chú ý, bên cạnh tư vấn gửi tiết kiệm thông thường, nhân viên Nam A Bank giới thiệu với chị H. sản phẩm chứng chỉ tiền gửi. Theo nhân viên này, nếu mua chứng chỉ tiền gửi, khách hàng sẽ nhận được lãi suất 11,2% với kỳ hạn tối thiểu 3 năm, tối đa 7 năm.
Nhân viên này tư vấn, sản phẩm chứng chỉ tiền gửi sẽ áp dụng với số tiền gửi từ 100 triệu đồng trở lên. "Sau 1 năm chị có nhu cầu chuyển nhượng lại, chị báo bên em thì có thể mất một vài ngày để bên em chuyển nhượng cái món ấy lại. Tức là nó hơi khác tiết kiệm, chị ra quầy em sẽ tất toán được luôn nhưng cái này sẽ cần thời gian, nói chung cũng nhanh thôi nhưng sẽ không ngay lập tức như tiết kiệm được".
Khi thấy khách hàng ngần ngừ vì tuy lãi suất có cao hơn thật nhưng kỳ hạn gửi quá dài thì nhân viên này cho biết, tuy là kỳ hạn của chứng chỉ tiền gửi tối thiểu 3 năm nhưng khách hàng có thể rút ngay sau năm đầu tiên để chuyển nhượng mà vẫn nhận lãi suất là 11,2% (!)
"Chị rút ở thời điểm 1 năm trở đi sau khi ký hợp đồng vẫn nhận lãi suất 11,2%. Bởi thế bên em mới có chuyển nhượng để cho khách hàng chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi khi chưa đến hạn vẫn được giữ nguyên lãi suất đấy. Cái này chắc chắn vì đây là quy định của sản phẩm", nhân viên Nam A Bank cho hay.
Tuy nhiên, khi chị H. xin bảng lãi suất cụ thể để về bàn với chồng thì chuyên viên cho hay "đây là quy định nội bộ, không gửi ra ngoài được". Ngoài ra, sản phẩm này không được niêm yết trên website của ngân hàng.
Trong khi lãi suất trần huy động tối đa không vượt quá 9,5%/năm, có thể thấy lãi suất kỳ hạn 1 năm của ngân hàng này thực chất lên tới 11,2%/năm.
Ngoài ra, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, do tính chất dài hạn và cố định thời hạn gửi, chứng chỉ tiền gửi thường có lãi suất cao hơn tiền gửi tiết kiệm và được ngân hàng sử dụng để huy động vốn dài hạn. Khách hàng có thể chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi nhưng không được rút hoặc tất toán trước hạn, hoặc nếu có thì phải qua nửa kỳ hạn. Trong khi đó, nếu theo tư vấn của nhân viên Ngân hàng Nam A Bank, thì chỉ cần đủ 12 tháng là đã có thể chuyển nhượng để lấy lãi suất cao!
Theo khảo sát biểu lãi suất niêm yết của 35 ngân hàng đến ngày 14/3, không còn ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Một vài ngân hàng mới điều chỉnh giảm thêm 0,3%/năm, xuống áp dụng mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn này là 9,2%/năm. |