Cuối năm 2022, trao đổi với người viết, TS. Trịnh Quang Anh - Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) có ý phấn khởi về định hướng của chính sách tiền tệ.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh ở quan điểm rất quan trọng và đổi mới của Chính phủ trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ. Liên tiếp các nghị quyết của Chính phủ nêu rõ quan điểm đó.
Nhưng, tình hình đã có thay đổi, “đẩy” chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng vào thế rất khó khăn.
Thành quả khởi đầu năm 2023
Trước khi đề cập thay đổi trên, cần nhìn lại một số nét chính trong năm 2022 và dấu hiệu tích cực đầu 2023.
Dữ liệu cập nhật mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, chỉ trong vòng 2 quý (2 và 3/2022), dự trữ ngoại hối toàn cầu đã giảm tới gần 1.000 tỷ USD (từ 12.541 tỷ USD cuối quý 1 xuống còn 11.598 tỷ USD). Đây là giai đoạn nhiều đồng tiền trên thế giới chao đảo với mức độ biến động hàng chục phần trăm, hàng loạt ngân hàng trung ương phải tung lượng lớn dự trữ ngoại hối để cố gắng bình ổn tỷ giá.
Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó. Tỷ giá USD/VND giai đoạn trên cao điểm tăng tới trên 9%. Dữ liệu một số công ty chứng khoán cập nhật quy mô ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước tung ra bình ổn khoảng 22 tỷ USD năm qua, và sau đó phải liên tiếp 2 lần tăng mạnh các lãi suất điều hành.
Cuối 2022, tình hình bên ngoài đã bớt xấu. Tỷ giá USD/VND cũng nhanh chóng hạ nhiệt mạnh, trở về khá ổn định với mức tăng chỉ còn khoảng 3,8% so với đầu năm - một mức độ được nhiều chuyên gia đánh giá là chấp nhận được, thậm chí ổn định hơn rất nhiều so với nhiều đồng tiền trên thế giới.
Rất nhanh, bên cạnh sự ổn định trở lại của tỷ giá, một thành quả khác cũng vừa gợi mở. Từ ngày 10/1 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã trở lại mua vào ngoại tệ, khi giá USD giao ngay trên thị trường liên ngân hàng xuyên thủng “ngưỡng chặn” 23.450 VND của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Một số thành viên tham gia thị trường này cho biết, ước tính khởi đầu Nhà điều hành đã mua về ít nhất 800 triệu USD.
Ba điểm được chú ý
Trở lại với sự phấn khởi mà TS. Trịnh Quang Anh chia sẻ ở trên, định hướng điều hành chính sách tiền tệ cho năm 2023 lại có phần bất ngờ.
Ngày 6/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách… năm 2023. Nghị quyết 01 luôn là khung quan trọng nhất hàng năm về điều hành vĩ mô.
Với chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, Nghị quyết 01 năm nay có 3 trong nhiều điểm được chú ý.
Thứ nhất, lộ trình ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tổ chức tín dụng Việt Nam được ấn định vào tháng 6/2023.
Chính sách trên được nhiều ngân hàng, giới đầu tư chờ đợi, bởi vừa qua đã có gợi mở về cơ chế cho “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tới 49% trong dự thảo, một cơ chế liên quan đến thúc đẩy tái cơ cấu cũng như tăng tính hấp dẫn cho các chủ thể trong vùng chính sách này.
Thứ hai, Nghị quyết 01 nêu yêu cầu tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương, trong đó có 06 tổ chức tín dụng yếu kém.
Con số trên lập tức có băn khoăn. Bởi lẽ, với tiến trình thời gian qua, có 3 ngân hàng đã mua lại bắt buộc, 2 ngân hàng được đặt vào kiểm soát đặc biệt (DongA Bank và SCB), vậy “thành viên thứ 6” trong yêu cầu trên là tổ chức tín dụng yếu kém nào?
Trở lại với vấn đề chính, thứ ba, Nghị quyết 01 nêu định hướng mới và thay đổi so với trước. Với định hướng này, ngành ngân hàng và việc điều hành chính sách tiền tệ ở vào thế cân não.
Thách thức của “cân bằng”
Trong một bài viết gần đây, TS. Trịnh Quang Anh cho rằng Chính phủ đã có quan điểm quan trọng và đổi mới trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ, với những gợi mở rất cụ thể cuối năm 2022.
Đó là, tại Nghị quyết số 143 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022 đã có một quyết nghị rất quan trọng: “Điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình…”.
Quan điểm đổi mới này tiếp tục được khẳng định tại Nghị quyết số 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 ban hành ngày 06/12: “…Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ”.
Cả hai nghị quyết trên đều nhấn mạnh đến tính linh hoạt của chính sách tiền tệ, nhưng quan trọng nhất là “mềm hóa” cho Ngân hàng Nhà nước ở hướng “phù hợp với diễn biến tình hình”, “phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ”.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước và việc điều hành chính sách tiền tệ có không gian hơn, độc lập và chủ động hơn trong thích ứng với thị trường.
Song, những thuận lợi trên đã thay đổi, chỉ sau hai tháng.
Nghị quyết 01 vừa ban hành có yêu cầu đáng chú ý: “Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác; điều hành kịp thời các công cụ chính sách vĩ mô, tài khóa, tiền tệ để cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn”.
Điểm cân não định rõ ở trên, khi yêu cầu phải cân bằng hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những biến động trong năm 2022 còn tươi mới đó, thậm chí hệ quả và hệ lũy đối với bảng cân đối tài chính của nhiều doanh nghiệp còn chưa dễ xử lý bởi biến động của tỷ giá và lãi suất. Thực tế đó cho thấy, để cân bằng tỷ giá Nhà điều hành đã phải “hy sinh” lãi suất, cũng như “hy sinh” dự trữ ngoại hối; hoặc ngược lại.
Năm nay, dù lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu dịu bớt, song lãi suất tiếp tục tăng là điều đang được trù tính. “Cân bằng” được hợp lý giữa lãi suất với tỷ giá dự báo sẽ tiếp tục là bài toán rất khó cho Ngân hàng Nhà nước, nhất là khi một nguồn lực ngoại tệ khá lớn đã dùng trong năm qua.
Chưa hết, “cân bằng” trên còn liên quan đến áp lực và yêu cầu kiểm soát lạm phát năm nay. Trong khi đó, Nghị quyết 01 vẫn đặt một vế liên quan nữa là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, một lần nữa lại dồn vai hệ thống ngân hàng, đặc biệt khi thị trường chứng khoán đã suy giảm và khó khăn kéo dài cho đến nay; kênh dẫn vốn trái phiếu doanh nghiệp không những khựng lại mà còn áp lực đáo hạn lớn trong năm… Trong khi đó, tỷ lệ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã lên tới khoảng 124%, thuộc hàng cao trên thế giới.
Trong trường hợp chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng đẩy mạnh nguồn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lạm phát cơ bản (mang yếu tố tiền tệ) đã ám ảnh ở mức cao khi liên tiếp tăng rất mạnh từ nửa cuối năm 2022 và tháng 12/2022 đã lên tới suýt soát 5%...
Vậy nên, tình thế cân não của chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng Việt Nam đã thể hiện ngay từ đầu năm mới, với yêu cầu trên của Nghị quyết 01; phải đảm nhiệm và làm sao “cân bằng” cho được cùng lúc đa mục tiêu trong một bối cảnh mục tiêu nào cũng đầy thách thức mà điều kiện thực hiện thì có hạn.
Hay như một ví von từng có trong ngành ngân hàng giai đoạn trước đây, họ như những vũ sư cùng lúc phải đảm bảo nhảy sao cho hợp lý, hiệu quả trên nền nhạc vừa điệu tango, valse, rumba…, trong khi thị trường và tác động từ bên ngoài nhiều phen nổi rock, hoặc dồn dập cha cha cha…