Nhiều yếu tố hỗ trợ, giá vàng tiếp tục đi lên
Giá vàng SJC tiếp tục tăng từ 150 đến 300 nghìn đồng/lượng
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay (4/1), giá vàng trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ so với giá khảo sát sát qua.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 66,35 – 67,15 triệu đồng/lượng, tăng 150 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên liền trước. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở ngưỡng 800 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng DOJI bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều, đang niêm yết ở mức 66,1 – 67,1 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý, giá vàng miếng đang được giao dịch ở ngưỡng 66,25 – 67,15 triệu đồng/lượng, tăng 200 nghìn đồng/lượng ở mỗi chiều mua bán. Tương tự, PNJ cũng tăng 300 nghìn đồng/lượng, lên 66,3 – 67,2 triệu đồng/lượng.
Với sản phẩm nhẫn tròn trơn, giá vàng cũng được điều chỉnh tăng từ 100 đến 330 nghìn đồng/lượng tùy doanh nghiệp.
Giá vàng niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Tổng hợp: Linh Linh |
Giá vàng trong nước tăng nhẹ trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá kim loại quý cũng đang tăng khá mạnh.
Hiện giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.844,5 USD/ounce, tăng 20 USD, tương đương 1,1% so với chốt phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 52,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 13,65 triệu đồng/lượng.
Biểu đồ: Kitco |
Nhiều yếu tố hỗ trợ
Giá vàng phục hồi từ đầu tháng 11/2022 khi thị trường chứng kiến nhiều biến động, kỳ vọng suy thoái kinh tế tăng lên và thêm nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới mua vàng.
“Nhìn chung, nếu xem xét đến bức tranh của năm 2023, giá vàng được hỗ trợ bởi rủi ro suy thoái kinh tế và rủi ro định giá chứng khoán của thị trường, lãi suất ngân hàng trung ương trên thế giới cuối cùng sẽ lập đỉnh và lạm phát chưa trở lại dưới ngưỡng 3% trước thời điểm cuối năm, tất cả những yếu tố này đều hỗ trợ cho giá vàng”, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo – ông Ole Hansen phân tích.
“Không chỉ vậy, quá trình giảm đôla hóa của một số ngân hàng trung ương vào năm ngoái khi nhiều ngân hàng trung ương mua lượng lớn vàng đã giúp mang đến mức sàn cho thị trường”, ông Hansen phân tích.
Trong tuần này, ông Hansen cho biết sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến giá vàng bao gồm biên bản từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày thứ Tư và báo cáo thị trường việc làm Mỹ vào ngày thứ Sáu.
“Nếu giá vàng vượt lên trên ngưỡng 1.842USD/ounce, tức là cao hơn 50% so với mức điều chỉnh của năm 2002, giá vàng sẽ hướng đến các ngưỡng kháng cự tiếp theo là 1.850 và 1.878USD/ounce”, ông Hansen phân tích.
Triển vọng của thị trường vàng toàn cầu tùy thuộc vào hướng điều chỉnh của chính sách tiền tệ khi mà nhiều ngân hàng trung ương nới lỏng chương trình nâng lãi suất từng được áp dụng trong năm vừa qua trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chững lại và rủi ro suy thoái kinh tế tăng lên.
Các chuyên gia kinh tế hiện đang chia rẽ về rủi ro liệu các yếu tố hiện tại có dẫn đến các đợt giảm lãi suất cơ bản vào thời điểm cuối năm nay hay không, tuy nhiên lạm phát vẫn duy trì trên ngưỡng mục tiêu tại phần lớn các nền kinh tế lớn.