Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất làm cửa hàng miễn thuế dưới phố
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn |
Các đề xuất được ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) nêu tại “Hội nghị tham vấn các nhà đầu góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế xã hội TP.HCM đến năm 2030” do UBND TP tổ chức mới đây với hơn 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.
Thứ nhất, lãnh đạo IPPG đề xuất dự án đầu tư trung tâm tài chính. Lãnh đạo IPPG nêu, nền tài chính của thành phố là kênh dẫn vốn quan trọng cho cả nền kinh tế, trong khi nhu cầu nguồn lực để phát triển cho thành phố trong 25 năm tới là rất lớn. Hiện nguồn lực trong nước vẫn chưa đảm bảo, do đó nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng.
Để thu hút được các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, cần có các cơ chế chính sách ưu đãi đột phá mang tính cạnh tranh quốc tế. Theo ý kiến của Công ty tư vấn Luật và Tài chính Shearman & Sterling, nếu có được trung tâm tài chính, TP.HCM sẽ có nhiều lợi ích.
Cụ thể, thành phố sẽ quy tụ nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới, góp phần phát triển thị trường tài chính TP.HCM lên tầm cỡ khu vực và quốc tế, là kênh hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư công cho thành phố và ĐBSCL.
TP.HCM có trung tâm tài chính sẽ tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế thành phố và cả nước, tạo hiệu ứng gia tăng độ hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo các chuỗi cung ứng gắn với dịch vụ tài chính và các dịch vụ thương mại cao cấp khác.
Theo tính toán của nhóm tư vấn, trung tâm tài chính có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước từ 8-10%, thậm chí cao hơn tùy thuộc vào hoạt động của các nhà đầu tư trong trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam.
Thứ hai, dự án cửa hàng miễn thuế dưới phố. Đề cập hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế, lãnh đạo IPPG cho biết, hơn 30 năm qua, tập đoàn đã hợp tác, khai thác tại các sân bay lớn ở Việt Nam với các đối tác thuộc top 3 trên thế giới là Công ty DFS và Lotte Duty Free. Doanh số hiện nay của 2 công ty trên thế giới khoảng 30 tỷ USD/năm và lượng khách đi du lịch, mua sắm thông qua các cửa hàng miễn thuế của 2 công ty này là trên 38 triệu khách/năm.
“Cửa hàng miễn thuế dưới phố đã có mặt tại nhiều quốc gia, đã và đang thu hút hàng chục triệu khách quốc tế đến mua sắm. Ở Việt Nam, chúng tôi sẽ đưa vào kinh doanh cửa hàng miễn thuế tại Hà Nội và Đà Nẵng vào cuối năm nay, nếu có thêm cửa hàng miễn thuế dưới phố ở TP.HCM sẽ hỗ trợ liên kết với các tour du lịch để phát triển nguồn du khách ổn định cho thành phố, tạo cộng hưởng làm phát sinh nhu cầu và tăng mức tiêu dùng của khách du lịch đối với các dịch vụ khác như khách sạn, ăn uống, vận chuyển…”, lãnh đạo IPPG đề cập.
Theo đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn mong muốn thành phố tạo điều kiện cho IPPG nghiên cứu một số mặt bằng có tiêu chuẩn phù hợp để có thể xúc tiến dự án càng sớm càng tốt.
Thứ ba, dự án Đầu tư khu trung tâm mua sắm cao cấp tại trung tâm thành phố. Để xứng tầm một thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, Chủ tịch IPPG mong muốn mở rộng thêm các địa điểm mua sắm với những thương hiệu cao cấp tại trung tâm thành phố, như các khu mua sắm hàng hiệu đẳng cấp ở các nước Singapore, Milan - Ý, Paris – Pháp...
Ngoài ra, việc mở thêm các cửa hàng tại trung tâm thành phố cũng là yêu cầu của các thương hiệu đẳng cấp trước khi họ đồng ý cho IPPG mở các cửa hàng giảm giá của họ tại các khu Premium Outlets.
Thứ tư, dự án Khu Đô thị dịch vụ thương mại, phi thuế quan Premium outlets và công viên giải trí chuyên đề. Premium outlets là nơi các du khách quốc tế và nội địa rất thích tìm đến khi đi du lịch để mua những món hàng hiệu cao cấp qua mùa với giá giảm từ 50-80%, còn công viên giải trí như Disneyland, là một thương hiệu nổi tiếng thế giới, nơi đây sẽ mang lại trải nghiệm và dịch vụ độc đáo cho du khách.
“Việc đầu tư khu phi thuế quan outlets tại khu đô thị TP.Thủ Đức sẽ góp phần thu hút và giữ chân du khách ở dài ngày, đem lại nguồn thu ngoại tệ, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt cũng như tương lai của thành phố. Tại khu đô thị này chúng tôi cũng đề xuất quy hoạch Khu mua sắm hàng quán chợ đêm theo định hướng phát triển kinh tế đêm của Chính phủ. Đây cũng chính là mô hình phổ biến ở các thành phố du lịch các nước phát triển trên thế giới”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đề xuất.
Thứ năm, dự án Khu đô thị tài chính và thương mại. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn ví đây như con đường hàng hiệu như ở Orchard Road Singapore.
Vì khu vực mua sắm hàng hiệu Khách sạn Rex ở trung tâm thành phố có giới hạn trong việc mở rộng mặt bằng, vì vậy, lãnh đạo IPPG đề xuất đầu tư khu đô thị tài chính và thương mại tại TP.Thủ Đức, trong đó sẽ hình thành các khu phố hàng hiệu, các khu phố đặt các văn phòng đại diện của các ngân hàng lớn dọc theo con đường trục chính. Khu đô thị này kết hợp với Khu trung tâm tài chính Thủ Thiêm, tạo thành một tổng thể liên hoàn, phát triển đồng bộ theo định hướng quy hoạch của TP.Thủ Đức trong dài hạn.
Thứ sáu, đầu tư dự án chương trình hoàn thuế VAT. Ở các nước trên thế giới việc hoàn thuế VAT cho du khách đã được đầu tư rất bài bản, là công cụ tích cực hỗ trợ việc kích cầu mua sắm cho du khách. Tại Việt Nam hiện nay chỉ có IPPG và một vài doanh nghiệp tham gia chương trình hoàn thuế VAT do Tổng Cục Hải Quan phát động từ năm 2015, và việc hoàn thuế chưa mang lại sự thoải mái tối đa cho du khách.
“Chúng tôi đã hợp tác với công ty Global Blue của Thụy Sỹ, là công ty công nghệ hàng đầu cung cấp dịch vụ hoàn thuế cho du khách, cơ quan quản lý và các cửa hàng bán lẻ trên toàn thế giới, họ đã cung cấp hệ thống này cho hơn 44 nước trên thế giới. Bằng việc đẩy mạnh, chuyên nghiệp hoá chương trình hoàn thuế VAT tại TP.HCM và Việt Nam, chúng ta có thể cạnh tranh được với các nước trong khu vực, thu hút, gia tăng việc mua sắm của du khách quốc tế, hỗ trợ hoàn thuế một cách nhanh chóng, thoải mái, hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ tăng doanh thu, nâng cao nhận thức thương hiệu ở nước ngoài”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Ông Hạnh cũng cho biết sẽ hỗ trợ các cơ quan chức năng về chuyển giao công nghệ, số hoá quản lý việc hoàn thuế, bảo mật, tránh thất thoát và có tính hệ thống, thống kê cao. Đồng thời mong muốn được phối hợp với các cơ quan chức năng và sự hỗ trợ của UBND TP để chương trình được áp dụng đồng bộ tại các sân bay, bến cảng và các khu vực khác.
Thứ bảy, dự án đầu tư tổng kho dịch vụ hậu cần logistics tại TP.Thủ Đức (logistics hubs). Để hoàn thành mục tiêu TP.HCM trở thành thành phố thông minh, dịch vụ công nghiệp hiện đại thì việc phát triển một hệ thống vận chuyển hàng hóa một cách chuyên nghiệp trong thời đại kỷ nguyên số, thương mại điện tử và xuất nhập khẩu tăng cao như hiện nay là rất cần thiết.
Lãnh đạo IPPG cho biết đã đề xuất nghiên cứu đầu tư khu kho logistic tại TP.Thủ Đức tại công văn số 60-22 ngày 8/3 và Chuỗi kho trung tâm TP.Thủ Đức sẽ là một mắt xích trong chuỗi vận hành hệ thống vận chuyển của tập đoàn.
Cuối cùng là dự án đầu tư chương trình giáo dục trí tuệ thông minh AI. Tập đoàn mong muốn lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP quan tâm, nghiên cứu và triển khai Chương trình AI và robot để học sinh phổ thông các cấp sớm tiếp cận và trải nghiệm chương trình để phát triển kiến thức, tạo sự đam mê và định hướng nghề nghiệp. Chính nguồn nhân lực chất lượng cao này sẽ hỗ trợ, làm tăng tiềm lực và sức mạnh của TP trong việc phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững trong tương lai.
Lãnh đạo IPPG cho biết, với năng lực và kinh nghiệm của tập đoàn IPP và liên danh các nhà đầu tư, nếu được thực hiện đầu tư các dự án, tập đoàn cam kết sẽ hỗ trợ đem lại một nguồn du khách rất lớn và góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững cho TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.