![]() |
Gia tăng số người lao động bị mất việc làm |
Thị trường lao động Việt Nam đang gặp nhiều thách thức khi chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như dịch Covid-19, tổng cầu thế giới suy giảm... Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tình trạng người lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc vẫn tiếp diễn.
Mặc dù lực lượng lao động đang làm việc tăng so với quý trước (quý 1/2023) và so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước. Cụ thể, có khoảng 1,07 triệu người thất nghiệp, tăng hơn 25.000 người so với quý trước và tăng hơn 1.900 người so với cùng kỳ năm 2022.
Sang quý II/2023, tỷ lệ người thất nghiệp tiếp tục gia tăng, số lao động bị mất việc trong quý 2/2023 là gần 218.000 người. Trong đó, tập trung ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ.
Số lượng lao động mất việc chủ yếu ở Bình Dương (khoảng 83.200 người), TP.HCM (khoảng 30.400 người), Bắc Ninh (khoảng 10.700 người), Bắc Giang (khoảng 9.300 người)…
Một trong những nguyên do trực tiếp dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp cao chính là việc điều phối nhu cầu và nguồn cung lao động chưa hiệu quả.
Chính những điều này đòi hỏi TP.Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung có chính sách mang tính đột phá để phát huy hết lợi thế của hệ thống kết nối cung cầu lao động, bên cạnh nguồn lực khác của xã hội như các trang tuyển dụng trực tuyến. Các thuận lợi hiện có thể kể đến như cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, mạng lưới liên kết, các địa điểm giới thiệu việc làm có sẵn, nhân lực tư vấn, thông tin chính sách đi kèm như đào tạo lại, hỗ trợ người lao động khó khăn.