Bài toán đặt ra cho thị trường trái phiếu là thị trường không chỉ cần sự gật đầu từ phía các trái chủ mà còn là sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước để khai thông những điểm nghẽn pháp lý, từ đó giúp dòng tiền chảy xuyên suốt.
Các chuyên gia phân tích của VNDIRECT ước tính, trong năm 2023, giá trị đáo hạn TPDN sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng (tăng 76,6% so với cùng kỳ). Tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản và Tài chính - Ngân hàng lần lượt là 37,6% và 37%.
Cũng theo báo cáo này, tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong quý 1/2023 ước đạt 30.655 tỷ đồng (giảm 40,3% so với quý 4/2022 và tăng 246,7% so với cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và quý II/2023 với giá trị lần lượt đạt 93.139 tỷ đồng (tăng 169% so với cùng kỳ) và 89.488 tỷ đồng (tăng 49,9% so với cùng kỳ).
Sau giai đoạn này, giá trị đáo hạn trong quý IV/2023 sẽ hạ nhiệt 33,4% so với quý trước về mức 59.571 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).
Tỷ lệ TPDN đáo hạn của ngành bất động sản, tài chính – ngân hàng và các ngành khác lần lượt là 37,6%, 37% và 25,5% bao gồm các đợt phát hành TPDN riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và bao gồm cả các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.
FiinRatings - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhận định, năm 2023 áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì ở mức đáng kể với hơn 119.000 tỷ và năm 2024 gần 112.000 tỷ đồng. Tổ chức này kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện sớm, nhất là các trái phiếu được phân phối thứ cấp đến nhà đầu tư cá nhân.
Trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn, thì trái phiếu phát hành mới vẫn không mấy lạc quan. Ngay đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp đã phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu.
Mới đây nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về danh sách các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp có công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu với nội dung chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho trái chủ trong giai đoạn 16/9/2022 đến 31/1/2023.
Theo đó, danh sách này gồm 54 doanh nghiệp với nhiều đơn vị từng huy động trái phiếu doanh nghiệp với quy mô lớn như Trung Nam, BCG Energy, Hưng Thịnh, Đất Xanh miền Nam, Công ty Đầu tư Quang Thuận, Công ty Sunny World, Tập đoàn Đầu tư An Đông, Bông Sen...
Đáng chú ý, khoảng một nửa doanh nghiệp trong nhóm này kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản như Novaland, Hải Phát, Sacomreal, Nam Land, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Hưng Thịnh, Gotec Land, Apec Land Huế, Đất xanh miền Nam, Nam Land, Sunny World, Gotec Land...
Sau khi công bố danh sách 54 doanh nghiệp khất nợ, gia hạn thanh toán trái phiếu, nhiều đơn vị đã lên tiếng về vấn đề này. Trong đó, Tập đoàn NovaLand công bố đạt được thoả thuận giao dịch hoán đổi trong nỗ lực cấu trúc nợ trái phiếu vào cuối ngày 24/2/2023. Theo thông tin từ tập đoàn này, nhà đầu tư sẽ giảm số lượng trái phiếu và chứng quyền, nhận một phần vốn góp trong hai công ty thành viên là Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Nhơn và Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Mũi Né.
“Các biện pháp bảo đảm liên quan đến trái phiếu và chứng quyền được huỷ bỏ sẽ được giải chấp hoàn toàn. Đồng thời công ty có quyền chia sẻ một số lợi ích từ phần vốn hoán đổi và được quyền chọn mua lại phần vốn hoán đổi khi điều kiện tài chính của công ty cho phép”, văn bản của Novaland có đoạn.
![]() |
Novaland thông báo về giao dịch hoán đổi trái phiếu |
Trong cùng ngày, Novaland cũng tiếp tục công bố thông tin về việc chậm trả lãi lô trái phiếu mã NVL2020-02-150 (đến hạn trả ngày 20/2/2023) với số tiền gần 9 tỷ đồng, lô trái phiếu NVL2020-02-250 (đến hạn trả ngày 20/2/2023) với số tiền gần 15 tỷ đồng, lô trái phiếu NVLH2224005 (đến hạn trả ngày 16/2/2023) với số tiền gần 26,5 tỷ đồng, lô trái phiếu NVLH2123009 (đến hạn phải trả ngày 13/2/2023) với số tiền 53,2 tỷ đồng. Tất cả với lý do là chưa thu xếp được nguồn vốn để thanh toán cho trái chủ.
![]() |
NovaLand chưa thanh toán được trái phiếu do chưa thu xếp được nguồn thanh toán |
Có rất nhiều doanh nghiệp công bố thông tin về việc chậm gia hạn trái phiếu như Công ty bất động sản Gia Phú ngày hạch toán theo kế hoạch là 13/2/2022 với số tiền 3,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần Fuji Nutri Food công bố thông tin chậm thanh toán (ngày 12/2/2023) với số tiền hơn 25 tỷ đồng.
Ở trường hợp của tập đoàn Bamboo Capital (mã cổ phiếu BCG) khi công ty con là BCG Energy thông tin công bố mới đây cho hay đơn vị này tăng lãi suất ở hai lô trái phiếu từ 10% lên 14%/năm, áp dụng cho 2 kỳ tính lãi, việc tăng lãi suất này nhằm bảo đảm lợi ích cho trái chủ trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng cao.
![]() |
BCG Energy tăng lãi suất nhằm bảo đảm lợi ích cho trái chủ |
Chưa hết, BCG Energy cũng cho biết, đơn vị này đã đạt được thỏa thuận với nhà đầu tư ngoại về việc thanh toán từng đợt trái phiếu. Theo thỏa thuận này, nhà đầu tư đồng ý thời hạn thanh toán khoản nợ gốc trái phiếu cuối cùng sẽ chuyển vào ngày 30/6/2023
Phần đông các doanh nghiệp cũng đề xuất trả thêm lãi suất quá hạn cho trái chủ. Chẳng hạn như Công ty xây dựng Vina2 giãn thời hạn thanh toán đến tháng 10, và trả thêm lãi phát sinh là lãi suất quá hạn (150% mức lãi suất đã công bố là 11,5%), nhưng cũng nói thêm sẽ chủ động thanh toán trước cho các trái chủ nếu đủ khả năng thanh toán trước hạn.
Công ty cổ phần Hưng Thịnh Incons công bố thông tin đạt được thoả thuận với trái chủ về một mã trái phiếu, bổ sung quy định về lãi phạt quá hạn do chậm trả, theo đó cộng thêm lãi suất phạt quá hạn là 2%/năm, cũng như sửa đổi quy định về mốc thời gian và điều kiện vi phạm cho lô trái phiếu này.
Trong số các doanh nghiệp công bố thông tin, duy chỉ có Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà khẳng định không chậm trả gốc và lãi cho trái chủ. Ngày trả gốc, lãi cho trái chủ vào ngày 18/1/2023, doanh nghiệp này đã thanh toán đủ cho trái chủ theo lộ trình cam kết.
Việc nhiều doanh nghiệp lớn chậm trả gốc, lãi các lô trái phiếu cảnh báo tình trạng đáng báo động của thị trường trái phiếu. Một điểm sáng duy nhất của thị trường lúc này là Dự thảo sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP có nhiều quy định tích cực, trong đó có đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành được gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, một số quy định khác cũng được tạm “hoãn” 1 năm thực hiện.