Sau Grab, loạt hãng taxi công nghệ, taxi truyền thống cùng tăng giá cước
Động thái tăng giá cước này được các hãng lý giải là nhằm hỗ trợ tài xế trước áp lực từ giá xăng tăng cao nhất mọi thời đại.
Theo đó, Gojek Việt Nam vừa thông báo điều chỉnh giá cước dịch vụ kể từ ngày 14/3.
Các dịch vụ tăng giá là GoRide (vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh) và GoFood (giao đồ ăn) bắt đầu điều chỉnh từ 0h giờ ngày 14/3. Trong khi hai dịch vụ khác là GoCar và giao hàng GoSend vẫn giữ nguyên.
Cụ thể, tại Hà Nội, giá cước tối thiểu cho các chuyến xe GoRide tăng lên 13.000 đồng và điều chỉnh tăng thêm 700 đồng/Km lên mức 1.600 đồng/Km với các chuyến xe từ 2 - 4Km. Các chuyến xe quãng đường trên 4Km được điều chỉnh tăng thêm từ 200 - 1.200 đồng cho mỗi Km tiếp theo.
Giá tối thiểu của dịch vụ giao đồ ăn GoFood tại Hà Nội cũng tăng thêm 1.000 đồng, từ 15.000 đồng lên 16.000 đồng với quãng đường dưới 3Km và 5.000 đồng/Km với độ dài trên 3Km.
Tại TP.HCM, Gojek cũng điều chỉnh tăng từ 11.000 đồng/Km lên 13.000 đồng/Km và tăng từ 500 - 900 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá tối thiểu của dịch vụ GoFood tăng thêm 1.000 đồng so với trước đó.
Đối với các hãng taxi truyền thống, nhiều hãng cũng rục rịch tăng giá cước, đại diện taxi Mai Linh cho biết, hiện đang làm các thủ tục liên quan để tăng giá. Trong đó, taxi 7 chỗ sẽ tăng thêm 1.000 đồng/km, đối với dòng taxi 5 chỗ sẽ tăng thêm 800 đồng/km.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội |
Trao đổi với BizLIVE, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, các hãng vận tải hiện đang chịu sự quản lý giá theo quy định pháp luật, do đó nếu pháp luật không cấm các hãng hoàn toàn có thể tăng giá cước.
Tuy nhiên, với bối cảnh thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, nếu tăng giá quá cao sẽ mất khách, mà nếu không tăng giá thì tài xế lại chịu thiệt.
Hiện cả các hãng taxi công nghệ và taxi truyền thống phần lớn đều áp dụng theo hình thức "khoán", sau khi trừ thuế phí và khoản nộp về hãng, tài xế sẽ được hưởng phần còn lại. Vì vậy, nếu cước quá thấp, các tài xế sẽ bỏ không đóng xe vào hãng nữa.
Với đề xuất mà Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội đưa ra về việc yêu cầu các doanh nghiệp vận tải không được lợi dụng giá xăng để tăng giá cước, ông Liên cho rằng, trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do COVID-19, các doanh nghiệp cũng không dám tăng giá cước quá cao vì không có khách.
"Nếu tăng giá cước quá cao trong thời điểm này, người dân sẽ hạn chế sử dụng taxi và thay thế bằng các phương tiện khác", ông Liên nói.
Vì vậy, ông Liên đề xuất Chính phủ cần có thêm các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay.
Trước đó, ngày 12/3, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, vận chuyển hành khách bằng xe taxi trên địa bàn thực hiện kê khai giá, niêm yết giá và tuyệt đối không được lợi dụng việc giá nhiên liệu tăng để tăng giá ở mức cao, thu cao hơn mức giá kê khai, thực hiện lập phương án giá theo đúng các chi phí hợp lý phát sinh. |