Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục nuôi hy vọng hút vốn FDI |
Đồng bằng Sông Hồng - điểm đến chiến lược cho đầu tư bất động sản công nghiệp
Ngày 21/3/2025, Công ty Cổ phần Đầu tư và phân phối DTJ phối hợp cùng Liên minh công nghiệp G20, Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) tổ chức tọa đàm “Hợp tác Xúc tiến Đầu tư Bất động sản Công nghiệp cho Công nghiệp Hỗ trợ vùng Đồng bằng Sông Hồng”.
![]() |
Tọa đàm “Hợp tác Xúc tiến Đầu tư Bất động sản Công nghiệp cho Công nghiệp Hỗ trợ vùng Đồng bằng Sông Hồng”. |
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch DTJ Group, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA) nhấn mạnh vị trí chiến lược của Đồng bằng Sông Hồng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào, khu vực này đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên bên cạnh những tiềm năng to lớn, khu vực này cũng phải đối mặt với không ít những thách thức như việc quy hoạch phát triển hạ tầng đồng bộ, vấn đề bảo vệ môi trường và đảm bảo sự cân đối giữa phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Vì vậy, để khai thác tối đa tiềm năng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính quyền và các tổ chức tài chính nhằm xây dựng một hệ sinh thái bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và logistics.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Khánh cũng khẳng định tầm quan trọng của sự liên kết giữa chủ đầu tư khu công nghiệp và các doanh nghiệp dịch vụ tới nhà sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị bền vững, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Giải bài toán quỹ đất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Ngoài cơ chế chính sách, một vấn đề cần giải quyết bài toán quỹ đất dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Thực tế cho thấy, quỹ đất dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khá hạn chế là một trong những yếu tố khiến ngành này chưa phát triển mạnh dù có chính sách kích cầu riêng.
Theo khảo sát của DTJ Industrial, quỹ đất sản xuất công nghiệp vẫn còn, nhưng việc chủ đầu tư các khu công nghiệp thường phân lô diện tích lớn ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn để tránh phải điều chỉnh quy hoạch và giảm chi phí đầu tư hạ tầng điện, nước, nước thải, đường giao thông nội bộ… khiến cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhỏ của Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm các quỹ đất phù hợp phát triển doanh nghiệp của mình.
![]() |
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS chia sẻ tại tọa đàm. |
Nói về thực trạng này, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS nhấn mạnh vào công tác quy hoạch. Hiện nay, tỉnh nào cũng tập trung thu hút công nghiệp bởi đây là điểm sáng, giúp địa phương tăng trưởng tốt nhưng để có sự đồng bộ, thống nhất các định hướng, ngành nghề, cần có quy hoạch đồng bộ, nhằm kết nối giữa các khu công nghiệp, logistics. Trong đó, các địa phương cần phải có đất dành cho khu công nghiệp hỗ trợ, giúp tương tác, kết nối giữa các doanh nghiệp, gia tăng hiệu quả hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cần có các giải pháp tháo gỡ thể chế, bao gồm hoàn thiện chính sách hỗ trợ, cải thiện pháp lý, đơn giản hóa thủ tục đầu tư khu công nghiệp và tăng cường ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Liên quan đến vấn đề này, bà Trần Thị Thu Hiền, Tổng Giám đốc DTJ Industrial, nhận định tại khu vực Đồng bằng Sông Hồng +3 (Phú Thọ, Bắc Giang, Hoà Bình), thị trường bất động sản công nghiệp đã và đang phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chưa có sự hỗ trợ về chính sách, trong đó có chính sách đất đai dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Bà Trần Thị Thu Hiền nhấn mạnh, không chỉ là nơi đặt nhà máy, bất động sản công nghiệp còn đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Do đó, theo bà Trần Thị Thu Hiền, trong thời gian tới, cần tạo thêm nhiều quỹ đất sản xuất cho ngành công nghiệp hỗ trợ với giá thành hợp lý để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất và tự tin vượt qua những rào cản về năng suất, chất lượng để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, các khu công nghiệp trong nước cũng cần chuyển đổi theo hướng chuyên sâu, đa chức năng, nhằm nâng sức cạnh tranh. Việc quy hoạch khu, cụm công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cần tính đến khả năng tạo chuỗi liên kết ngành cho doanh nghiệp nội tham gia.
Đặc biệt, cần phát triển theo nguyên tắc bảo đảm tính kết nối cung - cầu, liên kết mở giữa các doanh nghiệp trong khu/cụm công nghiệp với các doanh nghiệp bên ngoài và liên kết với các doanh nghiệp khác của các vùng kinh tế trọng điểm.
Dưới góc nhìn kinh tế vĩ mô, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong - chủ tọa tọa đàm - đánh giá, bất động sản công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế tư nhân, góp phần nâng cao năng lực sản xuất nội địa và thu hút đầu tư nước ngoài.
![]() |
TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế điều hành phiên thảo luận tại toạn đàm. |
Cuối cùng, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, bất động sản công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước những cơ hội mới, vận mệnh mới, mặc dù cũng đứng trước những thách thức mới liên quan đến công cuộc tinh gọn, sắp xếp lại cái bộ máy và các địa danh hành chính.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải có những nhận thức đủ và có môi trường thể chế tốt cho công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là bất động sản công nghiệp hỗ trợ. Để từ đó hình thành những quy hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia hướng tới xuất khẩu cũng như thay thế nhập khẩu và phát triển những khu công nghiệp hỗ trợ chuyên dụng theo hướng vừa cải tạo môi trường vừa đảm bảo kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó, cần phải hướng tới phát triển kinh tế hai tầng. Tầng trên là những tập đoàn lớn, những tập đoàn FDI để tạo ra "xương sống" nhưng đồng thời cũng dành chỗ, dành đất và liên kết mạng lưới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo ra một sự cộng hưởng.
Ngoài ra, cũng rất cần hình thành những sàn giao dịch các sản phẩm hỗ trợ, những sàn giao dịch ý tưởng… để phục vụ cho công nghiệp hỗ trợ và bất động sản công nghiệp hỗ trợ.
"Với tinh thần này, việc tạo ra sự thống nhất, hợp lực, sự cộng hưởng sức mạnh vĩ mô lẫn vi mô, quốc gia, chính phủ lẫn các doanh nghiệp, cũng như các người dân là rất cần thiết”, TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Công nghiệp hỗ trợ - nền tảng thúc đẩy sản xuất và gia tăng giá trị kinh tế
Chia sẻ về vai trò của công nghiệp hỗ trợ - hạt nhân phát triển công nghiệp sáng tạo, PGS.TS. Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam - nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ trong việc tạo nền tảng cho sản xuất công nghiệp, thúc đẩy sáng tạo và gia tăng giá trị trong nền kinh tế.
Là ngành cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất và lắp ráp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp và kinh tế quốc gia. Khi quốc gia tự chủ được nguồn cung nguyên liệu, nền kinh tế sẽ giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu, từ đó tăng khả năng chống chịu trước các biến động toàn cầu.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ không chỉ giúp cân bằng cán cân thương mại, giảm xuất khẩu tài nguyên thô và sản phẩm sơ cấp, giảm tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu, mà còn khai thác tối đa nguồn lực trong nước. Hơn nữa, công nghiệp hỗ trợ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, tạo điều kiện cho hệ thống sản xuất công nghiệp trở nên chuyên môn hóa từng giai đoạn, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất một cách toàn diện.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu.
Từ đó, ông Tuất đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thông qua việc đầu tư mạnh vào công nghiệp hỗ trợ, giúp tăng tính tự chủ, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng nhập khẩu từ nước ngoài và đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu.
Bên cạnh đó, ông Tuất nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng quỹ phát triển công nghiệp hỗ trợ; phát triển hệ thống “vườn ươm” hỗ trợ các doanh nghiệp; liên kết với các trung tâm kiểm định quốc tế để giúp các cái doanh nghiệp hỗ trợ kiểm định chất lượng sản phẩm; thúc đẩy chương trình quốc gia về công nghiệp vật liệu; tạo cơ chế để doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt, có cơ quan nhà nước chuyên trách, luật riêng về công nghiệp hỗ trợ,…
Có thể thấy, công nghiệp hỗ trợ đang có những cơ hội lớn để bứt phá. Tuy nhiên, bài toán về quy hoạch đồng bộ, nguồn vốn và cơ chế chính sách vẫn là những thách thức không nhỏ. Để thực sự phát huy tiềm năng của Đồng bằng Sông Hồng trong lĩnh vực này, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính.
Nếu có chiến lược dài hạn và những cơ chế thúc đẩy phù hợp, bất động sản công nghiệp không chỉ là nền tảng cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Video: TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch VARS chia sẻ tại tọa đàm
Tháo gỡ rào cản, khơi thông vốn đầu tư bất động sản công nghiệp Có ý kiến cho rằng, bất động sản công nghiệp sẽ tạo lối đi mới với mô hình đô thị công nghiệp dịch vụ... |
![]() Có ý kiến cho rằng, bất động sản công nghiệp sẽ tạo lối đi mới với mô hình đô thị công nghiệp dịch vụ... |
![]() Hiện nguồn cung bất động sản công nghiệp tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đã được lấp đầy gần như ... |