Tập đoàn Lộc Trời ký vay vốn 100 triệu USD với 7 ngân hàng trong và ngoài nước
Ngày 24/10, Tập đoàn Lộc Trời (LTG) ký kết Hợp đồng cấp tín dụng hợp vốn với 7 ngân hàng lớn trong và ngoài nước, hạn mức 100 triệu USD trong thời gian 3 năm.
Ngân hàng Quân đội (MB) là đơn vị trong nước duy nhất tham gia tài trợ vốn cho doanh nghiệp. MB đã hợp tác với Ngân hàng Kasikornbank, trở thành đơn vị đầu mối, kết nối các ngân hàng First Commercial Bank, Agricultural Bank Of China Limited - CN Hà Nội, China Construction Bank Corporation - CN TP.HCM, CTBC Bank Co., Ltd., E.SUN Commercial Bank, Ltd. - CN Đồng Nai để thu xếp nguồn vốn và cùng tham gia gói tín dụng hợp vốn, tài trợ bổ sung cho nguồn vốn lưu động chú trọng vào việc đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao của Lộc Trời.
Đề cập về mục tiêu sử dụng gói hợp vớn 100 triệu USD này, ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính LTG cho biết, gói tín dụng này sẽ được dùng để bổ sung nguồn vốn lưu động trong các hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao bao gồm vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), đảm bảo nguồn cung cả về số lượng và chất lượng cho các đơn hàng trong thời gian tới.
Theo ông Nhiên, khi tham gia vào liên kết sản xuất chất lượng cao này, người nông dân sẽ không lo về vốn sản xuất. Lộc Trời sẽ đảm bảo đủ nguồn vốn cấp cho nông dân. Theo đó, để được tham gia vào liên kết sản xuất này, điều kiện tiên quyết là người nông dân phải tham gia vào các hợp tác xã do Lộc Trời tổ chức.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý 3/2022, ông Nhiên cho biết, doanh thu trong quý 3 của Tập đoàn sẽ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi duy trì ổn định tương đương với mức đạt được của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sẽ giảm vài % so với cùng kỳ, do ảnh hưởng biến động của tỷ giá.
Nói rõ hơn về gói tín dụng với 7 ngân hàng, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch LTG cho biết, 7 ngân hàng, trong đó, tiên phong là MB cam kết cam kết thu xếp vốn bước đầu là 100 triệu USD để Lộc Trời tổ chức sản xuất theo quy mô khép kín theo hướng bền vững, tạo ra những nông sản mà ở đó chúng ta có thể truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo được cấp mã vùng trồng và tới được tay người tiêu dùng thông qua các công nghệ để người dùng có thể kiểm soát được toàn diện. Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng sẽ tổ chức phân phối và phân phối lại lợi nhuận sao cho hợp lý trên toàn hệ sinh thái.
Chủ tịch LTG cho biết thêm, gói tín dụng này không lớn so với nhu cầu sản xuất của tập đoàn. Bởi Lộc Trời cần khoảng 1 tỷ USD cho hơn 1 triệu ha của riêng tập đoàn trong cam kết sản xuất với nông dân, chưa kể đến khoảng 2 tỷ USD để thu mua lương thực.
Tuy nhiên, ông Thòn cho rằng gói tín dụng này có ý nghĩa đặc biệt đối với Tập đoàn vì đây là sự khởi đầu. Vị này tin rằng đây sẽ là cơ sở để có thể tiến tới với gói tín dụng 1 tỷ USD cho chương trình sản xuất bền vững của nông dân ĐBSCL cũng như 2 tỷ USD cho việc thu mua lương thực.
Lộc Trời là đơn vị duy nhất trên thế giới triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) đạt kết quả 100 điểm hoàn hảo trong 3 năm liên tục 2020, 2021, 2022 cùng với hệ thống sản xuất lúa gạo đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới như BRCGS, SMETA, HACCP, HALAL…
Sự kiện gạo Lộc Trời thương hiệu Cơm ViệtNam Rice chính thức được bán vào thị trường châu Âu và lên kệ tại hai hệ thống đại siêu thị hàng đầu châu Âu và Pháp - Carrefour và Leclerc đầu tháng 9/2022 là thành công bước đầu giúp nâng cao vị thế lúa gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế trong hành trình gần 30 năm “Cùng nông dân phát triển bề vững” của tập đoàn. Các đơn hàng liên tiếp gửi đến sau sự kiện này, tính đến tháng 10/2022 đạt trên 400.000 tấn, là cơ sở rất vững chắc để tập đoàn đẩy mạnh việc mở rộng sản xuất lớn, tổ chức các vùng trồng theo các yêu cầu của từng thị trường.