Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Techcombank, số lượng nhân sự làm việc trên toàn hệ thống (bao gồm ngân hàng mẹ và 3 công ty con) tính đến cuối năm 2022 là 12.339 người, giảm 167 người so với cuối năm trước. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ có 11.545 nhân sự, giảm 191 người.
Trong năm 2022, nhà băng này đã chi 6.515 tỷ đồng để trả lương, phụ cấp và thu nhập khác cho nhân viên trên toàn hệ thống, tăng 2,5% so với năm 2021. Tính bình quân mỗi nhân viên thuộc Techcombank có thu nhập 44 triệu đồng/tháng, tương đương 528 triệu đồng trong năm 2022; riêng lương là 37 triệu đồng/người/tháng.
Techcombank chi lương nhân viên tăng 2.5% so với năm 2021 |
Còn xét riêng tại ngân hàng mẹ, tổng số tiền chi trả lương, phụ cấp và thu nhập khác ở mức hơn 6.021 tỷ, tăng 1,1% so với năm 2021. Bình quân, mỗi nhân viên tại ngân hàng mẹ có thu nhập 43 triệu đồng/người/tháng, tương đương năm 2021. Riêng lương là 36 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, thu nhập bình quân của nhân viên tại ngân hàng mẹ Techcombank thấp hơn khoảng 1 triệu/tháng so với mặt bằng chung.
Ngoài tiền lương và phúc lợi cho nhân viên, nhà băng này còn phát hành cổ phiếu ESOP để giữ chân nhân tài. Trong năm 2022, ngân hàng phát hành hơn 6,3 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 1/3 thị giá trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, chương trình ESOP của Techcombank chủ yếu dành cho một số ít nhân sự cấp cao.
Tại báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2022, cho thấy Techcombank đang giữ ngôi "á quân" lợi nhuận và đứng đầu nhóm ngân hàng tư nhân. Cụ thể, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Techcombank tăng khoảng 10% so với năm trước lên 25.567 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Techcombank |
Cả năm 2022, thu nhập lãi thuần, chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng của Techcombank tăng gần 14% so với năm trước lên 30.289 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng gần 25%, đạt 10.840 tỷ, nhờ đóng góp của dịch vụ thanh toán và tiền mặt (tăng 70%) và dịch vụ bảo hiểm, thu từ thư tín dụng.
Chi phí hoạt động của nhà băng này trong năm ngoái tăng gần 20% so với cùng kỳ, đạt 13.389 tỷ đồng, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 32,8%.
Chi phí dự phòng của Techcombank tiếp tục trong xu hướng giảm, xuống mức 1.936 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng một số chi phí đã trích trước cho các khoản vay tái cơ cấu do Covid-19 giai đoạn 2020-2021.
Tại thời điểm 31/12/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 28,8%, thấp hơn nhiều so với giới hạn mới 34% theo quy định có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2022.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II ở mức 15,2% vào cuối năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8% của trụ cột I, Basel II, tăng 18 điểm phần trăm so với đầu năm 2022.
Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/12/2022 ở mức 0,9% với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh, đạt 125,0%. Tỷ lệ nợ xấu của riêng Ngân hàng và trước ảnh hưởng của CIC giữ ổn định ở dưới mức 0,6%.
Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 0,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,1% tổng dư nợ, giảm từ mức 1,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng dư nợ ở thời điểm đầu năm.