Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) ngày 4/1 cho biết, Thái Lan đang trên đà trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, sau khi xuất được 6,91 triệu tấn gạo trong 11 tháng đầu năm 2022, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, mang lại doanh thu 123,51 tỷ baht, tăng 29,2%.
Ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch TREA dự tính, sản lượng gạo xuất khẩu trong năm 2022 của Thái Lan sẽ vượt mục tiêu 7,5 triệu tấn, nhờ nhu cầu gia tăng từ I-rắc, Trung Quốc và Mỹ.
Ấn Độ vẫn tiếp tục đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo với 18,25 triệu tấn gạo được xuất đi từ đầu năm đến hết tháng 11/2022.
Tại Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến năm 2022 sẽ xuất khẩu đạt 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỉ USD. Và đây cũng là mức kim ngạch cao nhất sau 15 năm, tiếp tục là hàng nông sản xuất khẩu tỉ đô.
Như vậy, Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ 3 xuất khẩu gạo thế giới sau Ấn Độ và Thái Lan.
Giá gạo toàn cầu 2023 dự kiến tiếp tục tăng
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế và USDA dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2023 sẽ thấp hơn khoảng 10 triệu tấn so với 2022. Trong khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) ước tính sản lượng gạo toàn cầu sẽ giảm hơn 12 triệu tấn, còn theo các nhà phân tích thương mại sản lượng gạo toàn cầu có thể giảm gần 14 triệu tấn. Điều này có thể gây ra một đợt tăng giá mới trên thị trường gạo toàn cầu.
Một lý do chính khác khiến thị trường gạo có thể sẽ tăng vọt trong vài tháng tới là thương mại gạo chỉ chiếm 1/10 sản lượng toàn cầu. Trong bối cảnh giao dịch gạo hạn chế như vậy, bất kỳ sự thay đổi nào trong sản xuất hoặc nguồn cung đều có thể gây ra biến động.
Các nhà phân tích cho rằng giá có nhiều khoảng trống hơn để tăng lên và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu giá gạo tăng thêm 15-20%. Trước đó, từ khi Ấn Độ áp đặt hạn chế xuất khẩu ngũ cốc giá gạo đã tăng 5-8%.