Thị trường bất động sản công nghiệp tiếp tục nuôi hy vọng hút vốn FDI
Bất chấp những biến động trong năm 2022, tính đến ngày 20/12/2022, lĩnh vực bất động sản vẫn thu hút hơn 4,45 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy niềm tin lạc quan của nhà đầu tư ở châu Á – Thái Bình Dương về triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam.
Nhà đầu tư vẫn tìm thấy cơ hội ở các nhóm tài sản thuộc phân khúc công nghiệp bán lẻ và nghỉ dưỡng
Trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giới đầu tư đa quốc gia đánh giá các tài sản thương mại chất lượng cao có giá trị lâu dài ít bị tác động bởi lạm phát và lãi suất, và Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư tiềm năng nhất. Song, vẫn còn đó nhiều thách thức và các hoạt động tái cơ cấu nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán & sáp nhập (M&A) sẽ tiếp diễn trên thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2023.
“Lạm phát và lãi suất cao bắt đầu có tác động đến hầu hết các phân khúc bất động sản tại Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022. Giao dịch trầm lắng do dòng tiền chưa khơi thông, thị trường nhà ở và bất động sản thương mại như văn phòng và căn hộ dịch vụ dự kiến chững lại trong những quý đầu trong năm 2023.
Mặc dù thận trọng, nhà đầu tư vẫn nhìn thấy cơ hội ở các nhóm tài sản thuộc phân khúc công nghiệp, bán lẻ và bất động sản nghỉ dưỡng. Quan trọng nhất, doanh nghiệp bất động sản đang quan sát chặt chẽ các động thái điều chỉnh thị trường của Chính phủ cũng như những sửa đổi luật và quy định trong thời gian tới”, ông David Jackson, Tổng Giám Đốc Colliers (Việt Nam) nhận định.
Bất động sản công nghiệp tiếp tục nuôi hy vọng hút vốn FDI
Báo cáo “Thị trường Bất động sản Việt Nam quý 4/2022” Colliers (Việt Nam) vừa chính thức công bố cho thấy, bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục ghi nhận số liệu tăng trưởng trong quý 4/2022.
Tại thị trường TP.HCM, dù không có thêm nguồn cung mới, giá thuê trung bình đạt 204 USD/m2/kỳ hạn, tăng 2% so với quý trước và tỷ lệ lấp đầy cũng tăng nhẹ từ 91% lên 92%.
Nguồn cung tương lai ở thị trường phía Nam nghiêng về các khu vực lân cận, như tỉnh Long An với bốn dự án được chính phủ phê duyệt đầu tư xây dựng, tổng diện tích 1,770 ha.
Thị trường phía Bắc tiếp tục là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư nước ngoài, tạo động lực cho việc hoàn thiện hạ tầng và tăng chất lượng quản lý khu công nghiệp. Ở Hà Nội, ba quận có giá thuê đất khu công nghiệp cao nhất lần lượt là Mê Linh, Sóc Sơn và Long Biên.
Tại miền Trung, Đà Nẵng thiết kế chính sách kêu gọi đầu tư riêng, ưu tiên các ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này được kỳ vọng gia tăng lợi thế cạnh tranh của thị trường khu công nghiệp Đà Nẵng trong tương lai.
“Việc giảm quy mô, hoãn hay hủy đơn hàng từ các thị trường phát triển chắc chắn ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch tại Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài trong ngắn hạn. Tuy vậy, Việt Nam vẫn được xem là lựa chọn chiến lược cho quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thách thức tiếp theo là làm thế nào để thu hút và giữ chân nguồn vốn đầu tư chất lượng cao. Một ví dụ là bài toán chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang mô hình bền vững hơn trong những năm tới”, ông Chí Vũ, Trưởng phòng Cấp cao - Dịch vụ Khu công nghiệp, Colliers (Việt Nam) nhận định.
Theo số liệu của RCA Analytics, trong năm 2022, phân khúc bất động sản công nghiệp đứng đầu tính theo giá trị chuyển nhượng, chiếm 38% giá trị, vượt hơn phân khúc Văn phòng với 36%.
Những địa phương có giá hấp dẫn hơn như Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ sẽ thu hút nhà đầu tư
Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, nhờ nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp đã cung cấp một nguồn cung dồi dào cho thị trường. Cụ thể, theo số liệu của Cushman & Wakefield 2022, ước tính trong năm 2022 thị trường đã đón nhận nguồn cung mới tương đương gần 3,000 ha đất khu công nghiệp, 760.000 m2 nhà kho và gần 250.000 m2 nhà xưởng, ghi nhận tại vùng kinh tế trọng điểm miền Nam.
Bùi Nguyễn Huyền Trang - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam |
Quý cuối năm 2022, Cushman & Wakefield ghi nhận giá thuê tiếp tục xu hướng tăng ở khắp các phân khúc bất động sản công nghiệp ở thị trường miền Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy giảm do nguồn cung mới gia nhập thị trường, và nhu cầu đối với loại hình kho xưởng xây sẵn có dấu hiệu chững lại.
Diện tích đất khu công nghiệp cho thuê đạt 28.170 ha tăng 1% so với quý trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy đạt gần 81% ổn định so với quý trước và giảm 5 điểm phần trăm so với năm ngoái. Giá thuê trung bình đạt 159USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 3% so với quý trước và tang 10% so với năm ngoái.
Nguồn cung nhà xưởng xây sẵn đạt khoảng 4.820.000 m2 tăng 2% so với quý trước và 17% với năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy đạt gần 80% giảm 6 điểm phần trăm so với quý trước và năm ngoái. Giá thuê trung bình là 4,6USD/m2/tháng giảm 3% so với năm ngoái, ổn định so với quý trước.
Nguồn cung nhà kho xây sẵn đạt 5.000.000 m2, tăng 9% so với quý trước và tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lấp đầy đạt gần 76% giảm 3 điểm phần trăm với quý trước và giảm 9 điểm phần trăm so với năm ngoái. Giá thuê trung bình là 4,4USD/m2/tháng, tăng 1% so với quý trước và tăng 10% so với năm ngoái.
“Giai đoạn 2023 trở đi, thị trường sẽ đón nhận nguồn cung kho xưởng dồi dào. Trong khi đó, nguồn cung đất công nghiệp sẽ trở nên hạn chế vào năm 2023 do thủ tục pháp lý kéo dài. Nguồn cung mới sẽ đặt áp lực lên giá thuê của kho xưởng, làm giá thuê tương lai có thể không đổi hoặc thậm chí giảm.
Trong bối cảnh giá đất tăng cao, nhà đầu tư sẽ hướng tới những vị trí có giá hấp dẫn hơn như Bình Phước, Bình Thuận, Cần Thơ. Trong tương lai, Cushman & Wakefield dự báo lượng nguồn cung khu công nghiệp là khoảng 27.000 ha, nhà xưởng xây sẵn khoảng 4,1 triệu m2 và nhà kho xây sẵn khoảng 2,8 triệu m2”, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đưa ra dự báo.