Thống đốc NHNN: “Việc điều hành lãi suất và tín dụng đang gặp phải nhiều khó khăn”
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. |
Theo Thống đốc NHNN, với điều hành lãi suất, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn. Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được xem xét trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô.
Bà Hồng cho biết, trong năm 2022 có 2 lý do khiến chúng ta phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn, đó là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh, trong nước lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với năm 2021. Bên cạnh đó, áp lực mất giá của đồng Việt Nam (VND) là lớn khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng đô la tăng giá mạnh.
Nếu để VND mất giá trên 10%, Thống đốc cho rằng doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì thâm hụt hàng năm rất lớn và doanh nghiệp hiện vẫn chủ yếu nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài, đẩy chi phí đầu vào tăng cao và kéo theo lạm phát tăng cao. Chưa kể doanh nghiệp Việt cũng vay vốn ở nước ngoài.
“Khi tình hình tỷ giá ổn định trở lại và lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm 2023, NHNN đã 3 lần điều chỉnh lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất các khoản vay mới giảm bình quân 0,9%/năm so với cuối năm 2021”, Thống đốc nói.
Trong bối cảnh đó, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp song tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn èo uột.
Cụ thể, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng tín dụng đến giữa tháng 5 mới đạt 2,72% so với cuối năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 14-15% của năm 2023. Thậm chí, nếu so với mức tăng trưởng đạt được vào cuối tháng 4 là 2,75% thì quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đang có xu hướng “co hẹp” lại.
Đối với gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm, lãnh đạo NHNN cho biết đến nay kết quả giải ngân gói tín dụng này vẫn thấp do tâm lý e ngại của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khó đánh giá khả năng phục hồi. Trước tình hình đó, Chính phủ đã trình Quốc hội cho chuyển 24.000 tỷ đồng để giảm thuế VAT. Hiện nay NHNN đang trình Chính phủ bỏ từ "có khả năng phục hồi" để tiếp tục triển khai.
Còn về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đây là gói tín dụng do 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tự nguyện tham gia để hỗ trợ lãi suất cho người thu nhập thấp có thời hạn đến năm 2030. NHNN chỉ hướng dẫn áp dụng lãi suất trong thời gian ưu đãi.
Bà Hồng cũng nhấn mạnh, hiện nay nhu cầu mua nhà ở xã hội cao nhưng đó chỉ là một vấn đề, bởi quyết định vay hay không là do người dân. Đăc biệt, trong Luật Nhà ở hiện nay cũng có điểm "cho phép doanh nghiệp mua nhà để bố trí nhà ở cho công nhân, đây là điểm tích cực để gói tín dụng có thể tăng dư nợ giải ngân.