Tiền lương tháng đóng BHXH trong khu vực doanh nghiệp tăng không đáng kể. |
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, riêng năm 2016, có sự gia tăng cao trong mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, do Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động.
Thế nhưng, sau năm 2016, mức tiền lương làm căn cứ đóng tăng không đáng kể, chỉ tăng theo sự điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hàng năm.
Số liệu của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, năm 2021, số người tham gia BHXH bắt buộc hơn 15 triệu người, lương bình quân tính đóng BHXH hơn 5,6 triệu đồng/người/tháng (tăng 1,4 triệu đồng so với năm 2016).
Mức này bằng 86% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (theo Tổng cục Thống kê thì thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương trong năm 2021 là 6,55 triệu đồng/tháng).
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động cao nhất (6,5 triệu đồng), tiếp sau là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (6,1 triệu đồng), cuối cùng là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh (5,1 triệu đồng).
Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết Luật BHXH 2014 đã có lộ trình từ năm 2018 trở đi tiền lương tháng đóng BHXH ở khu vực doanh nghiệp bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Nhờ đó, tiền lương tháng đóng BHXH ở khu vực này thời gian qua đã được cải thiện từng bước, song vẫn chưa tiếp cận với thu nhập thực tế của người lao động.
Trên thực tế, cơ quan quản lý vẫn ghi nhận có tình trạng doanh nghiệp chẻ thu nhập, tách phụ cấp sang phúc lợi khác để không phải tính đóng BHXH cho người lao động. Trong khi đó, quy định hiện hành khó tách bạch các khoản phụ cấp tính đóng BHXH với doanh nghiệp trả theo lương tối thiểu vùng, bởi mỗi nơi xây dựng thang bảng lương, phụ cấp, mức tiền khác nhau.
Nhiều doanh nghiệp tồn tại ba loại thu nhập, đó là thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, thu nhập để quyết toán và thu nhập thực tế.
“Một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng tách các khoản phụ cấp, bổ sung khác để nhằm không tính đóng BHXH bắt buộc. Việc này ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, nhất là liên quan đến chế độ hưu trí khi tính tỷ lệ hưởng lương hưu, do tính trên nền tiền lương đóng. Thậm chí, khi chúng tôi xây dựng phương án tiền lương lấy ý kiến, có doanh nghiệp trưng hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và gần như không thể tính đóng BHXH”, ông Cường thông tin.