Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dữ liệu mới nhất về tình hình tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tiền gửi của khách hàng tại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo đó, cập nhật đến cuối tháng 1/2022, tổng phương tiện thanh toán đạt hơn 13,7 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2,59% so với cuối năm 2021
Trong đó, tổng quy mô tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức hơn 5,57 triệu tỷ đồng, giảm 1,21% so với cuối năm 2021, dù vậy, mức giảm này vẫn thấp hơn so với mức giảm trung bình 2,58% trong tháng 1 hàng năm trong giai đoạn thống kê từ năm 2013 tới nay.
Điều này được giải thích là do yếu tố mùa vụ, khi các doanh nghiệp phải rút tiền chi trả lương thưởng cuối năm cho người lao động.
Trong khi đó, dữ liệu tiền gửi của cư dân cho thấy, đến cuối tháng 1/2022, quy mô tiền gửi của dân cư tại các TCTD ở mức 5,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,95% so với cuối năm 2021.
Đây là mức tăng trưởng khá khi so với mức tăng trưởng trung bình 1,69% trong tháng 1 hàng năm trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay. Điều này cho thấy tín hiệu đáng mừng, khi dòng tiền nhàn rỗi của người dân đã bắt đầu quay lại hệ thống.
Trước đó, trong năm 2021 ghi nhận tăng trưởng tiền gửi của dân cư liên tục ở mức thấp kỷ lục trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trong suốt hơn 2 năm, ảnh hưởng tiêu cực tới tất cả các mặt của nền kinh tế nói chung và tình hình tài chính của người dân nói riêng.
Bên cạnh đó, việc lãi suất huy động đang ở mức thấp kỷ lục trong hơn 10 năm cũng là một yếu tố quan trọng khiến kênh tiền gửi tại nhà băng trở nên kém hấp dẫn. Trong khi đó, sự bùng nổ của các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản lại hút một lượng tiền nhàn rỗi lớn từ cư dân.
Tuy nhiên, như trên, dòng tiền đã bắt đầu có dấu hiệu quay lại hệ thống, khi lãi suất huy động đã bắt đầu tăng tại nhiều nhà băng, khiến cho kênh tiền gửi trở nên hấp dẫn hơn.
Theo dự báo của giới phân tích, lãi suất huy động sẽ còn tiếp tục tăng trong năm nay khi nhu cầu huy động vốn cao hơn khi tín dụng tăng tốc, trong khi áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong năm 2022 và cạnh tranh gay gắt hơn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán để thu hút dòng vốn.