Tiêu thụ thép xây dựng tháng 9 đi xuống, triển vọng nào cho Hòa Phát trong quý 4?
Theo thông tin vừa công bố, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho biết, trong tháng 9, tập đoàn đã sản xuất 540.000 tấn thép thô. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 555.000 tấn. Trong đó, thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 228.000 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ. Thép xây dựng ghi nhận 318.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ.
Trong tháng 9, nhu cầu thị trường chung thấp kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.
Sản lượng bán hàng ống thép Hòa Phát khả quan hơn khi đạt gần 76.000 tấn, tăng 94% so với cùng kỳ. Sản lượng tôn mạ tại thị trường trong nước cũng tăng trưởng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2021.
Lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô, tương đương cùng kỳ 2021. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, HRC và phôi thép đạt 5,7 triệu tấn, tăng 3% so với 9 tháng 2021.
Trong đó, thép xây dựng ghi nhận 3,4 triệu tấn sau 9 tháng, tăng 24%. Con số này có sự đóng góp đáng kể của thị trường xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu đã vượt 1 qua triệu tấn, tương đương cả năm 2021 và đóng góp 30% tổng lượng thép xây dựng Hòa Phát cung cấp ra thị trường. Hiện nay, Hòa Phát đang xuất khẩu thép tới trên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Với dòng sản phẩm thép cuộn cán nóng, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước hơn 2 triệu tấn, tăng 5% so với 9 tháng 2021 và đóng góp 36% sản lượng của chung của Hòa Phát thời gian qua. Sản phẩm hạ nguồn HRC là ống thép đạt 577.000 tấn, tăng 16%; tôn mạ các loại ghi nhận 249.000 tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Hòa Phát hiện có công suất thép thô 8,5 triệu tấn/năm, dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép tại Việt Nam, lần lượt khoảng 36% và 29%.
LIỆU TÌNH HÌNH KINH DOANH CÓ KHẢ QUAN HƠN TRONG QUÝ 4?
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quý 3, câu hỏi đặt ra là liệu tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đầu ngành thép liệu có khả quan hơn trong quý 4 -thời điểm thị trường bất động sản bước vào chu kỳ sôi động, các công trình đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao trước cuối năm?
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, Hoà Phát đưa ra dự báo biên lợi nhuận của quý 3 có thể sẽ vẫn tiếp tục thấp do ảnh hưởng của chu kỳ nguyên vật liệu tồn kho mua từ quý 2. Tuy nhiên giá nguyên liệu hạ nhiệt trong quý 3 sẽ được phản ánh vào giá thành và góp phần cải thiện biên lợi nhuận của quý 4.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong báo cáo mới đây cũng đưa ra dự báo chi phí sản xuất của Hòa Phát có thể sẽ giảm đáng kể trong quý 4.
Trong các nguyên liệu sản xuất thép, than luyện cốc bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi những bất ổn trong triển vọng kinh tế toàn cầu. Sau khi tăng mạnh trong giai đoạn đầu xung đột Nga - Ukraine (tức tháng 3-4/2022), giá than luyện cốc đã nhanh chóng hạ nhiệt từ tháng 5 do nhu cầu yếu.
Cụ thể, VDSC cho biết giá than luyện cốc từng đạt đỉnh 625 USD/tấn vào giữa tháng 3 nhưng hiện giao dịch ở mức 272 USD/tấn. Giá đã tăng từ 200 USD/tấn lên 280 USD/tấn từ đầu tháng 8 do lệnh cấm nhập khẩu than Nga từ ngày 1/8/2022 của Liên minh châu Âu (EU), nhưng còn thấp hơn đỉnh cũ.
Xu hướng tăng giá đầu vào đã dừng lại. Viễn cảnh các nhà máy ở EU phải đóng cửa do giá điện tăng kéo dài và nhu cầu thấp đã dẫn đến nhu cầu nguyên liệu sản xuất thép của EU giảm.
Bên cạnh đó, nhu cầu thép ở Trung Quốc phục hồi chậm do các đợt đóng cửa vì chính sách Zero COVID, cơn bão Mufia và thông tin chính phủ Trung Quốc xem xét cắt giảm sản lượng thép trong mùa đông cũng gây thêm áp lực lên giá nguyên liệu.
Giá than luyện cốc đã giảm từ đầu tháng 9 trong khi giá quặng sắt ổn định trong khoảng 95-100 USD/tấn trong hai tháng qua. VDSC cho rằng giá nguyên liệu có thể giảm tiếp trong quý 4.
"Hòa Phát đã hạn chế dự trữ nguyên liệu, giảm từ mức tồn kho đủ cho 3-4 tháng sản xuất xuống còn 1-1,5 tháng sản xuất. Đồng thời, còn cắt giảm sản xuất trong tháng 7-8, có nghĩa là một phần lớn thép bán ra trong quý 3 có thể được sản xuất từ nguyên liệu giá cao", VDSC cho biết và ước tính chi phí sản xuất thép thô của Hòa Phát trong quý 3 vừa qua là 13.410 đồng/kg.
Trong báo cáo mới cập nhật, VNDirect đã điều chỉnh giảm dự phóng biên lợi nhuận gộp của HPG trong năm 2022-2024 |
Trong khi đó, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Hoà Phát sẽ được cải thiện dần từ quý 4 nhờ giá thép được dự báo sẽ ổn định hơn trong những tháng cuối năm. Trong khi rủi ro giảm giá thép là thấp khi hiệu suất vận hành và lượng tồn kho tại các nhà máy thép Trung Quốc đang ở mức thấp nhất 1 năm qua và giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh trong 2 tháng qua sẽ phản ánh vào biên lợi nhuận gộp của quý 4.
Công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của HPG sẽ tăng lên lần lượt 22,5%-22,2% trong năm 2023-24 từ mức 20,4% của năm 2022 do giá than cốc trong 2 năm tới được dự báo sẽ giảm xuống mức trước đại dịch, bên cạnh đóng góp lớn hơn của mỏ quặng sắt tại Australia. Kết quả là, lợi nhuận ròng năm 2023-24 sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 18,7%-8,3%.
Còn SSI Research cho rằng doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 của HPG lần lượt đạt 147.500 tỷ đồng (giảm 1,5% so với cùng kỳ) và 21.600 tỷ đồng (giảm 37,4% so với cùng kỳ). Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, HRC, ống và phôi thép ước tính lần lượt đạt 4,6 triệu tấn (tăng 17% so với cùng kỳ), 2,65 triệu tấn (tăng 3% so với cùng kỳ), 690 nghìn tấn (tăng 0% so với cùng kỳ) và 420 nghìn tấn (giảm 68% so với cùng kỳ).
Sang năm 2023, SSI Research kỳ vọng lợi nhuận của Hòa Phát sẽ tăng 11% lên 24.00 tỷ đồng do sản lượng từ dòng sản phẩm thép chủ chốt tăng 9% và tỷ suất lợi nhuận gộp ổn định.