Triển vọng du lịch sáng hơn, AST đang tránh được nhịp giảm thái quá
Chuỗi Lucky hiện nay đã xuất hiện hầu hết ở các sân bay |
5 tuần điều chỉnh lại về nền cũ
Tuần qua, VN-Index đã ghi nhận tuần giảm giá thứ 4 liên tiếp. Cổ phiếu AST của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco cũng đã có chuỗi giảm lên tới 5 tuần.
Trước đó, vào đầu tháng 9, HOSE cũng cảnh báo về việc hủy niêm yết AST do lỗ 2 năm liên tiếp. Nếu lại lỗ thêm trong năm 2023, AST sẽ có thể bị hủy niêm yết.
Tuy nhiên, với một cổ phiếu đang bị cảnh báo thì dù chuỗi giảm dài hơn nhưng biên độ giảm của AST lại hẹp hơn so với VN-Index.
Cùng với đó là trạng thái kỹ thuật của AST cũng không bị văng mạnh khỏi đường MA200 như VN-Index.
Với việc đã về gần lại nền cũ ở vùng giá 55.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu sẽ khó có thể giảm thêm nếu không có sự gia tăng đột biến về lực cung. Mức giảm không đáng kể của tuần vừa qua cùng với thanh khoản kém đã cho thấy dấu hiệu về gần vùng cân bằng.
Nhiều khả năng AST sẽ tích lũy quanh vùng nền cũ trước khi có nhịp thử sức mới.
Du lịch hồi phục, AST có thể thoát được nỗi lo hủy niêm yết
Kết quả doanh thu 6 tháng 2022 của AST đạt 202 tỷ (+85,5%) và ghi nhận tín hiệu vô cùng tích cực khi lợi nhuận ròng (LNR) chỉ còn lỗ 7 tỷ đồng (so với lỗ 66,9 tỷ cùng kỳ).
Trong quý 2/2022, khi các hãng hàng không nội địa được hưởng lợi mạnh mẽ từ việc các chính sách phòng chống COVID-19 được dỡ bỏ, AST đã lần đầu ghi nhận LNR dương 16,6 tỷ (so với mức lỗ 35 tỷ cùng kỳ).
Tuy nhiên mảng bán lẻ cho khách quốc tế, vốn mang lại biên lợi nhuận cao hơn từ 10%-15% so với mảng nội địa, vẫn chưa hồi phục như kỳ vọng khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng 2022 chỉ đạt 1,4 triệu lượt, giảm 87% so với mức trước đại dịch 2019.
Nguồn MAS. |
CTCK MAS dự phóng khách du lịch nội địa vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số giai đoạn 2023-2024, lần lượt đạt 138,1 triệu lượt (+30%) và 158,8 triệu lượt (+15%).
Còn lượng khách hàng không quốc tế sẽ hồi phục chậm hơn, lần lượt đạt 10,5 triệu lượt (+320%) cho năm 2023 và 33,6 triệu lượt (+220%) cho năm 2024, vượt qua mức kỷ lục 116,4 triệu lượt năm 2019.
Mảng F&B và bán hàng lưu niệm (BHLN) hồi phục đầu tiên nhờ lượng khách nội địa quay lại mạnh mẽ. Hiện nay AST đang vận hành chuỗi BHLN và F&B mang tên Lucky.
Chuỗi Lucky hiện nay đã xuất hiện hầu hết ở các sân bay và dự kiến tiếp tục mở rộng ra thêm hai sân bay mới là sân bay Phan Thiết và Tân Sơn Nhất (nhà ga T3). Cho đến năm 2024, số lượng cửa hàng của hai mảng này có thể đạt 92 cửa hàng. Doanh thu dự phóng cho mảng BHLN năm 2022, 2023, 2024 lần lượt đạt 205 tỷ (+832,4%), 348 tỷ (+70%), 422,5 tỷ (+21%).
Với mảng F&B, MAS dự phóng doanh thu cho các năm 2022, 2023, 2024 lần lượt đạt 108 tỷ (+190%), 209 tỷ (+93%), 248,7 tỷ (+19%).
Với mảng hàng miễn thuế, AST đang sở hữu 51% liên doanh bán hàng miễn thuế với JDV Nhật Bản, chủ yếu phục vụ khách quốc tế. MAS cho rằng mảng hàng miễn thuế sẽ là động lực tăng trưởng chính cho AST trong tương lai dài hạn khi đây là thị trường khá ít đối thủ cạnh tranh và có rào cản gia nhập ngành lớn từ khả năng thuê mặt bằng trong sân bay hạn chế.
Doanh thu mảng bán hàng miễn thuế năm 2022, 2023, 2024 sẽ lần lượt đạt 126 tỷ (+132%), 298 tỷ (+136%), 387 tỷ (+30%). Số lượng cửa hàng miễn thuế MAS kỳ vọng sẽ tăng lên 13 cửa hàng vào năm 2024 so với 11 cửa hàng ở năm 2021.
Ngoài ra, mảng kinh doanh của AST còn bao gồm khách sạn The A la Carte tiêu chuẩn 4*, bao gồm 203 căn hộ và phòng nghỉ. Vị trí của khách sạn nằm ở đường Võ Nguyên Giáp, đối diện bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng và là vị trí vàng của ngành khách sạn tại Đà Nẵng.
Tuy nhiên, Đà Nẵng cũng chính là địa phương hiện đang gánh chịu hậu quả từ việc có quá nhiều nguồn cung khách sạn và Condotel. Đà Nẵng hiện có khoảng 50.000 phòng và tới năm 2024 sẽ lên đến 71.000 phòng theo ước tính của CBRE. Trong đó, tới năm 2024, Đà Nẵng ước tính có tới 99 dự án khách sạn từ 4* - 5* và là địa phương có sự cạnh tranh gay gắt nhất ở phân khúc khách sạn cao cấp.
Tỷ lệ lấp đầy của khách sạn A la Carte lần lượt đạt 50%, 60%, 65% cho giai đoạn 2022, 2023, 2024. Doanh thu dự phóng tương ứng trong giai đoạn 2022-2024 là sẽ hồi phục nhưng khó đạt được mức doanh thu 186 tỷ đồng năm 2018 .
Qua đó, MAS dự phóng doanh thu của AST năm 2022, 2023, 2024 lần lượt đạt 686 tỷ (+345%), 1.231 tỷ (+79%), 1,532 tỷ (+24,4%), tương ứng với biên lợi nhuận gộp lần lượt đạt 48%, 51%, 51%. Với dự báo cả năm 2022 LNST của AST sẽ đạt 55 tỷ đồng (so với -128 tỷ năm 2021), cổ phiếu AST sẽ có thể cắt đứt chuỗi 2 năm báo lỗ qua đó tiếp tục niêm yết trên HOSE.
Nguồn MAS. |
Năm 2023 và 2024, LNR của AST sẽ tăng mạnh, đồng pha với hồi phục từ thị trường hàng không và du lịch quốc tế, lần lượt đạt 178 tỷ và 264 tỷ, vượt qua mức đỉnh LNR trước dịch năm 2019 là 212 tỷ.