Vì sao lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng?
Mặt bằng lãi suất giảm sâu, lãi suất tiết kiệm chủ yếu dưới 7% |
Ảnh minh hoạ |
Theo thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi tiết kiệm vào các ngân hàng tiếp tục tăng trong tháng 6, bất chấp lãi suất huy động giảm sâu và thị trường chứng khoán sôi động. Đáng chú ý là động lực tăng trưởng trong tháng 6 thay vì đến từ dân cư như những tháng trước thì lần này chủ yếu đến từ các tổ chức kinh tế.
Thống kê cho thấy, trong tháng 6, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh so với tháng trước thêm hơn 235.000 tỷ đồng đạt hơn 5,98 triệu tỷ đồng, tăng 0,51% so với cuối năm 2022. diễn biến tiền gửi doanh nghiệp tăng vọt vào tháng 6 năm nay gây khá nhiều bất ngờ.
Lý do bởi tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp chỉ tăng đột biến trong tháng cuối cùng của năm do yếu tố mùa vụ, trước khi thanh toán các khoản tiền hợp đồng, tiền lương thưởng cuối năm cho nhân viên. Vài tháng đầu năm mới, tiền gửi của nhóm ngân hàng này sẽ lại quay đầu giảm.
Trong khi đó, tiền gửi dân cư tăng chậm lại đạt 6,38 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 35.341 tỷ đồng so với tháng trước.
Đà tăng trưởng tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư có dấu hiệu chậm lại kể từ tháng 4 khi lãi suất huy động giảm nhanh hơn. Trước đó, giai đoạn tháng 12/2022 đến tháng 3/2023 liên tục ghi nhận mỗi tháng có hơn 100 nghìn tỷ đồng tiền gửi của người dân chảy vào các ngân hàng.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tiền gửi của dân cư tăng 8,82% so với cuối năm trước, khi tăng thêm hơn 429.000 tỷ đồng.
Tính chung trong tháng 6, tổng tiền gửi của khách hàng dân cư và doanh nghiệp đã đạt hơn 12,36 triệu tỷ đồng, tăng hơn 270.000 tỷ đồng so với tháng 5. Đây là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ tháng 1/2021 đến nay. Đồng thời, so với cùng kỳ các năm trước, đây cũng là tháng 6 tăng trưởng cao nhất.
Đáng chú ý, tiền gửi tiếp tục đổ vào các ngân hàng khi lãi suất giảm. Điều này cho thấy triển vọng không mấy khả quan từ các kênh đầu tư khác.
Biểu lãi suất của các ngân hàng đầu tháng 8/2023 cho thấy, lãi suất tiết kiệm tại quầy giảm từ 0,1 đến 0,7%/năm so với đầu tháng 7. Hiện không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm. Lãi suất phổ biến cho kỳ hạn 1 năm khoảng 6,3 - 7,8%/năm.
Theo khảo sát tuần qua có tới 21 ngân hàng thay đổi biểu lãi suất huy động, mức giảm từ 0,1 đến 1 điểm phần trăm. Như các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) đồng loạt giảm lãi suất huy động.Theo đó, lãi suất huy động có kỳ hạn từ 1 tháng đến 9 tháng giảm 0,3 điểm % và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm 0,5 điểm %.
Hay tại BIDV, VietinBank và Vietcombank, lãi suất tiền gửi tại quầy kỳ hạn từ 1 tháng tới 9 tháng đều giảm 0,3 điểm %. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng còn 3-3,8%/năm. Bên cạnh đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng cũng giảm từ 5% xuống 4,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên điều chỉnh mạnh từ 6,3% xuống còn 5,8%, tức giảm tới 0,5 điểm %.
Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, khi kinh tế càng đi xuống, làm ăn càng khó khăn thì lãi suất sẽ càng giảm nhưng dù cho lãi suất giảm và gửi tiền không sinh lời nhiều như trước, người dân cũng vẫn lo lắng, không dám làm ăn và sẽ tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng.
Một số chuyên gia kinh tế cũng nhận định, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, người dân vẫn chọn gửi tiền vào ngân hàng bởi họ thấy không chỉ an toàn mà còn được trả tiền lãi.
Lãi suất gửi tiết kiệm tại 4 ngân hàng lớn giảm mạnh, hiện còn bao nhiêu? |