Ảnh minh họa |
Dù rằng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tháng 7/2022 hạ nhiệt, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody Analytics vẫn lạc quan về triển vọng của Việt Nam bởi Việt Nam vẫn hưởng lợi phần nào từ dòng vốn đầu tư rời khỏi Trung Quốc, theo báo cáo mới công bố của Moody.
Theo dự báo tăng trưởng mới công bố của Moody Analytics, Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng dự báo tăng trưởng GDP. Moody cho rằng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng đến 8,5% - cao nhất so với các nước có cùng xếp hạng tín nhiệm.
Trong báo cáo công bố ngày 15/8/2022, chuyên gia kinh tế của Moody nhấn mạnh: “Việc kinh tế mở cửa chậm ở thời gian đầu năm giờ đây đã chuyển sang quá trình thương mại và công nghiệp phát triển nhanh nhờ vào dòng vốn FDI mạnh. Những yếu tố bất ổn tại Trung Quốc hiện đang khiến cho tiền đầu tư tìm đến Việt Nam cũng như nhiều nước Đông Nam Á nhiều hơn”.
Dù rằng dựa theo số liệu của tháng 7/2022, Moody cho rằng xuất khẩu của Việt Nam, Hàn Quốc, Đài Loan giảm tốc tăng trưởng, Moody tin rằng nhu cầu sẽ sớm bình ổn bởi thị trường lao động Mỹ hiện vẫn đang tăng trưởng tốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia Moody lo ngại sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc và khả năng kinh tế Anh và châu Âu suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau đang tạo ra nhiều rủi ro suy giảm với xuất khẩu của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Moody’s Analytics cho rằng xu thế thương mại suy yếu và lạm phát dai dẳng sẽ vẫn ám ảnh tăng trưởng kinh tế khu vực trong nửa sau năm 2022 dù rằng xu thế kinh tế phục hồi và tăng trưởng sẽ vẫn có thể duy trì được tại khu vực này trong suốt năm.
Nhận định của Moody cho hay triển vọng của kinh tế Trung Quốc và Hồng Kông đang xấu đi nhiều nhất.
Tăng trưởng thực của GDP Trung Quốc năm 2022 ước tính chỉ đạt 3,4%, giảm đáng kể so với mức 4,3% theo dự báo bởi thiếu đi ảnh hưởng từ sự tăng trưởng của thị trường bất động sản hay chi tiêu tiêu dùng, GDP quý 2/2022 đã đi xuống.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP Hồng Kông năm 2022 nhiều khả năng rơi xuống mức âm sau khi GDP giảm trong quý 4/2021 và quý 1/2022, kết quả trực tiếp từ các biện pháp hạn chế đi lại để ngăn dịch COVID-19 và việc người Trung Quốc hạn chế sang Hồng Kông.
Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: “Bất ổn lớn nhất trong khu vực chính là lạm phát. Khi mà giá dầu toàn cầu và giá hàng hóa ở sau khoảng thời gian ở mức cao thì giờ đang dần hạ nhiệt, tuy nhiên xu thế này chưa được phản ánh rõ nét vào chỉ số giá tiêu dùng khắp khu vực”.
Cũng theo Moody, khu vực Nam và Đông Nam Á đương đầu với rủi ro lạm phát tăng vọt, nhu cầu tại khu vực với hàng hóa, dịch vụ và nhà ở có thể sẽ suy giảm. Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan đương đầu với rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều hơn do những vấn đề tại trung Quốc. Ngoài ra việc giá hàng hóa giảm nhanh hơn kỳ vọng sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế các nước Australia, Indonesia và Malaysia.