Bài viết đã nhấn mạnh, khi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, các hãng từ khắp nơi trên thế giới đang đổ xô đến Việt Nam và Việt Nam đang có sức hút mạnh mẽ.
Tập đoàn Apple sẽ sản xuất MacBook tại Việt Nam từ tháng 5 tới, tập đoàn Dell và HP cũng sẵn sàng đến Việt Nam. Một số lượng đáng kể các công ty Trung Quốc cũng đang chuyển sang Việt Nam.
Vào tháng 12/2022, Việt Nam đã vượt qua Vương quốc Anh về thương mại với Mỹ và vươn lên vị trí thứ 7. Để sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm điện tử, Việt Nam cần nhập khẩu các linh kiện cảm biến, chất bán dẫn, màn hình, thép và đây là những hạng mục mà Hàn Quốc đang có thế mạnh.
Năm 2022, Hàn Quốc đã xuất khẩu 60,9 tỷ USD sang Việt Nam, tương đương hơn 50% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ (109,8 tỷ USD) và gấp đôi xuất khẩu sang Nhật Bản (30,6 tỷ USD).
Năm 1992, quy mô thương mại Hàn-Việt đạt 500 triệu USD, đến năm 2021 đã tăng gấp 161 lần lên 80,7 tỷ USD. Trong cùng khoảng thời gian này, xuất khẩu và nhập khẩu của Hàn Quốc tăng 8,4 lần và 7,5 lần, nhưng riêng xuất-nhập khẩu với Việt Nam đã tăng lần lượt 142 lần và 240 lần.
Tính tới tháng 11/2022, quy mô thương mại Hàn-Việt đạt 81,1 tỷ USD. Dự kiến, Việt Nam sẽ vượt qua Nhật Bản (78,4 tỷ USD) để trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc, sau Trung Quốc và Mỹ.
Đến nay, Hàn Quốc đã có 9.438 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký là 80,5 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án tại Việt Nam.
Về quy mô dự án, trước đây, các dự án FDI của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ. Tuy nhiên hiện nay, đã có hàng loạt các dự án đầu tư quy mô lớn, điển hình là các dự án của Samsung vào Bắc Ninh, Thái Nguyên, đầu tư của tập đoàn LG tại Hải Phòng,… Ngoài ra còn có nhiều dự án lớn khác của các nhà đầu như: Hanwha, SK Group, Hyosung, Hyundai, CJ Group, SK Telecom, Shinhan Finance Group,...
Doanh nghiệp Hàn Quốc hiện có mặt ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam: Công nghiệp chế biến, công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, bán buôn bán lẻ, logistics, tài chính, ngân hàng,… Trong đó, lĩnh vực chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong những năm gần đây, đầu tư của Hàn Quốc còn mở rộng sang lĩnh vực xây dựng, bất động sản, phân phối, bán lẻ, văn phòng, khách sạn, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp,…