Vinasun: Gian nan tìm lại “ánh mặt trời”
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS) được biết đến là một trong hai hãng taxi truyền thống từng bá chủ thị trường, nhưng sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của dịch vụ taxi công nghệ (Grab, Be, GoJek...) đã khiến thị phần của Vinasun dần bị thu hẹp, kéo theo doanh thu và lợi nhuận giảm sút.
Thêm vào đó, “cú bồi” trong hai năm đại dịch đã khiến cho Vinasun tăng trưởng âm 8 quý liên tiếp và chỉ mới có lãi trở lại từ quý 1/2022. Tuy nhiên, để cả năm 2022 có lãi và thoát nguy cơ hủy niêm yết, chặng đường phía trước của Vinasun sẽ còn rất nhiều gian nan.
Đối diện thách thức kép, mấp mé bờ vực hủy niêm yết
Vinasun từng là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần taxi truyền thống phía Nam với doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng liên tục từ năm 2008 và đạt đỉnh vào năm 2016 nhưng bắt đầu sa sút từ năm 2017, không lâu sau khi Grab thâm nhập thị trường Việt Nam.
Sự mới mẻ cộng với chính sách trợ giá đã khiến cho dịch vụ taxi công nghệ ngày càng phổ biến và xâm chiếm thị phần của các hãng taxi truyền thống, kéo theo đó là cuộc chiến của những người đến trước và đến sau trên thị trường vận tải taxi.
Thậm chí Vinasun đã kiện Grab vì cạnh tranh không lành mạnh. Vụ kiện từng gây ra không ít tranh cãi, kiện tụng và tốn nhiều giấy mực của truyền thông. Sau hơn hai năm đưa nhau ra tòa (2018-2020), cuối cùng Vinasun vẫn không thể thắng kiện Grab và thực tế vẫn đang hụt hơi trong cuộc đua giành lại thị phần.
Doanh thu của Vinasun bắt đầu sa sút từ năm 2017, sau khi đạt đỉnh vào năm 2016 |
Không chỉ chịu sức ép từ cạnh tranh với taxi công nghệ và Vinasun còn phải đối diện với ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Trong hai năm đại dịch (2020-2021), hãng taxi này báo lỗ tổng cộng gần 488 tỷ đồng và ghi nhận 8 quý lỗ liên tiếp. Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của công ty đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết, nếu không thoát lỗ năm nay.
Nhờ nguồn lợi nhuận tích lũy từ những năm trước, Vinasun chưa rơi vào tình trạng lỗ lũy kế. Tuy nhiên, việc kinh doanh thua lỗ tiếp tục kéo vốn chủ sở hữu của công ty đến ngày 31/12/2021 giảm xuống còn 1.206 tỷ đồng, giảm 18,7% so với đầu năm. Quy mô tổng tài sản đến ngày 31/12/2021 cũng giảm 23,7% so với đầu năm, xuống gần 1.572 tỷ đồng, trong đó chủ yếu do giá trị phương tiện vận tải trong phần tài sản cố định sụt giảm.
Nhìn vào báo cáo lưu chuyển tiền tệ có thể thấy, dòng tiền thu từ thanh lý, bán tài sản cố định trong năm 2021 lên đến 292,15 tỷ đồng, trong khi phần tiền đầu tư cho tài sản cố định chỉ 33,8 tỷ đồng. Trong năm 2020, dòng tiền thu từ thanh lý là 221,9 tỷ đồng, trong khi số tiền đầu tư chỉ 25,2 tỷ đồng.
Vinasun lỗ tổng cộng 488 tỷ đồng trong hai năm đại dịch 2020-2021 |
Không chỉ phải thanh lý tài sản, Vinasun cũng buộc phải cắt giảm nhân sự để đảm bảo hoạt động của công ty. Theo đó, quy mô nhân sự đến cuối năm 2021 còn 1.877 người, giảm 2.521 người, tương ứng giảm 57,3% so với đầu năm. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp số lượng nhân viên nghỉ việc tại Vinasun lên đến hàng nghìn người/năm. Tổng số nhân sự tại thời điểm cuối năm 2021 còn chưa đến 1.900 người.
Thậm chí, xu hướng giảm vẫn diễn ra những tháng đầu năm 2022, khi đến ngày 31/3/2022, số nhân sự chỉ còn 1.764 người, trong khi đó, ở thời kỳ đỉnh cao (2015 – 2016), số lượng nhân sự Vinasun lên đến hơn 17.000 người.
Ánh sáng cuối đường hầm
Sau hai năm chật vật vì đại dịch, năm 2022, để tránh thua lỗ ba năm liên tiếp và khả năng bị huỷ niêm yết cổ phiếu, Vinasun cho biết, công ty xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là chấm dứt thua lỗ và kinh doanh có lãi. Để thực hiện mục tiêu này, công ty đẩy nhanh việc thanh lý xe nhằm giảm chi phí khấu hao và hạn chế thấp nhất số lượng xe nằm bãi. Do đó, tổng số xe của Vinasun đến cuối năm 2021 chỉ còn 2.071 xe.
Thực tế, kết quả kinh doanh của Vinasun đã bắt đầu có những cải thiện. Báo cáo quý 1/2022 cho thấy doanh thu thuần của công ty đã quay lại mức trăm tỷ đồng, đạt 164 tỷ đồng. Trong kỳ giá vốn giảm mạnh hơn đã giúp biên lãi gộp của công ty tăng vọt từ 3% lên gần 22%. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ cũng tăng từ gần 2 tỷ đồng lên hơn 4,3 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng. Trong khi đó, các khoản chi phí khác cũng đồng loạt giảm đã giúp công ty lãi ròng gần 12,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021, công ty lỗ hơn 29 tỷ đồng.
Theo giải trình của Vinasun, do từ giữa cuối năm 2021, công ty đã thực hiện hàng loạt các chính sách và giải pháp nhằm giảm số lượng xe nằm bãi, giảm chi phí, khuyến khích lái xe quay lại kinh doanh, tập trung hoạt động của công ty vào các địa bàn trọng điểm và các chính sách này đã phát huy tác dụng trong quý đầu tiên của năm 2022. Cùng với đó, do dịch COVID-19 đã được khống chế và giảm dần, các hoạt động kinh doanh và giao thương của TP.HCM dần phục hồi trở lại đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Vinasun có lãi trở lại từ quý 1/2022 sau 8 quý lỗ liên tiếp |
Năm 2022, Vinasun đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt gần 639 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh Vinasun Corp gần 584 tỷ đồng và Vinasun Green là 55 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng dự kiến thu về hơn 27 tỷ đồng lãi sau thuế trong khi năm trước lỗ đậm hơn 277 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 1, công ty đã thực hiện được hơn 25% kế hoạch doanh thu và hơn 46% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Từ đầu năm 2022, nhu cầu đi lại của người dân tăng lên rất nhanh sau đại dịch, trong khi lượng cung xe giảm đi rõ rệt, trong đó có không ít tài xế xe công nghệ đã chuyển việc đang tạo cơ hội cho các doanh nghiệp taxi truyền thống hoạt động mạnh trở lại. Tuy nhiên, trong chiến lược kinh doanh năm 2022, Vinasun xác định vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo dự báo của hãng taxi, năm 2022 hoạt động của công ty vẫn chịu tác động do khủng hoảng nặng nề của đại dịch COVID-19 cũng như những nguy cơ mới của cuộc khủng hoảng Ukraine, tình trạng khan hiếm năng lượng và nguồn cung các nguyên liệu quan trọng, lạm phát cao toàn cầu cùng với biến động giá đối với một số mặt hàng thiết yếu và nguyên, nhiên, vật liệu sử dụng trong sản xuất kinh doanh sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.
Mặc dù vậy, công ty vẫn tin tưởng khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra khi các công ty nước ngoài đã bị khống chế về số lượng đầu xe cùng việc ban hành nhiều quy định mới. Trong năm nay, VNS sẽ mở rộng việc thanh toán online trên Vinasun App và tăng số lượng đặt qua app lên 10.000 lượt/ngày; tích hợp thanh toán với các Mobile Money App; hoàn tất việc nâng cấp GPS từ 2G lên 4G.
Trong năm 2022, Vinasun cũng dự kiến tiếp tục bán trả chậm và thanh lý cho lái xe khoảng 506 chiếc, giảm đáng kể so với gần 1.900 xe thanh lý trong năm 2021; đầu tư mới khoảng 156 chiếc, hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài khoảng 150 chiếc.
Việc thu hẹp quy mô đội xe, nhân sự giúp Vinasun cải thiện dòng tiền, có nguồn lực để giảm nợ vay trong bối cảnh dòng tiền hoạt động kinh doanh về thấp. Đồng thời, giúp công ty tiết giảm được nhiều loại chi phí khác như khấu hao, chi phí nhân viên…, giúp giảm áp lực lên kết quả kinh doanh trong điều kiện khó khăn.
Tuy nhiên, các giải pháp trên vẫn chỉ là tạm thời giúp công ty có khả năng thoát lỗ trong năm nay, còn để đi được đường dài và tìm lại ánh hào quang trước đây, Vinasun vẫn cần một chiến lược bài bản và dài hơi hơn, đặc biệt là cần chiến thuật riêng trong cuộc đua giành giật thị phần ngày càng khốc liệt.