Agribank cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động |
PV: Là lãnh đạo một ngân hàng lớn nhưng lại trực tiếp phụ trách mảng truyền thông, bà đánh giá thế nào về những lợi ích từ truyền thông mang lại cho doanh nghiệp mình?
Mình là dân học ngân hàng. Khi mình về Agribank, mình cũng làm về các nghiệp vụ ngân hàng. Mình không học chuyên về truyền thông báo chí, mình cũng không nghĩ đến một lúc nào đó, công việc truyền thông chiếm đến 50% khối lượng công việc của mình. Một công việc đòi hỏi phải rất hiểu truyền thông, thấy được lợi ích của truyền thông và báo chí.
Đầu tiên, mình muốn nói, truyền thông với Agribank vô cùng quan trọng. Thứ nhất là chính sách, các hiệu ứng của chính sách, chính sách tín dụng và những chủ trương rất mới như giáo dục tài chính đến cộng đồng, đến những người lao động, đến công nhân, những người dân sống ở các vùng nông thôn để phòng chống tội phạm tài chính là những hình thức tội phạm mới, thì báo chí thực sự đã giúp Agribank hoàn thành nhiệm vụ rất mới này.
Bà Nguyễn Thị Phượng. Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank giao lưu với các chiến sĩ hải quân. |
"KHÔNG CÓ BÁO CHÍ AGRIBANK KHÔNG THỂ TRUYỀN TẢI ĐƯỢC CHÍNH SÁCH, KHÔNG THỂ LAN TOẢ ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU MANG LẠI GIÁ TRỊ CHO CỘNG ĐỒNG" |
Agribank không thể phát triển được nếu như không dựa vào truyền thông. Và báo chí, đối với Agribank, nếu như trước đây mọi người nghĩ rằng báo chí là ở trên một cấp độ, là góc nhìn từ trên xuống, là phán xét, là chỉ ra những tồn tại, mặt trái, nhưng với Agribank báo chí thực sự gắn kết 2 trong 1. Không có báo chí Agribank không thể truyền tải được chính sách, không thể lan tỏa được những điều mang lại giá trị cho cộng đồng để mọi người cùng chung tay như xây dựng nông thôn mới, thông điệp như bảo vệ môi trường, sản xuất thực phẩm sạch.
Chương trình sản xuất nông nghiệp sạch là một chương trình rất thành công của Agribank. Khi mọi người đều nói, nói không với thực phẩm bẩn, chống sản xuất thực phẩm thì Agribank đã được báo chí ủng hộ để thực hiện một chiến dịch truyền thông để chung tay sản xuất thực phẩm sạch.
Từ thay đổi ý thức cộng đồng, ý thức của người sản xuất là sản xuất thực phẩm sạch là nghiễm nhiên chiếm lĩnh thị trường trong nước và sản xuất từ đó có lợi cho người nông dân và tiêu dùng. Đây là một chương trình điển hình Agribank rất thành công nhờ sự lan tỏa của báo chí.
Chương trình thứ 2 là chương trình truyền thông về tương lai xanh: Trồng cây, lối sống xanh. Phong trào chạy bộ Agribank đã triển khai. Chúng mình có Agrirun là CLB chạy bộ của cán bộ Agribank, sau đó mở rộng là CLB của người Agribank ở tất cả các tỉnh, thành phố, Thêm một bước nữa Agribank mở chương trình chạy trực tuyến đã thu hút mấy chục triệu người tham gia, tổng số quãng đường trong 1 tháng chạy hơn 40 triệu cây số. Sau 21 ngày cuộc thi, nó trở thành phong trào, thói quen hàng ngày của nhiều người.
Đối với công sở, văn phòng cũng như vậy: Xanh hóa môi trường công sở, mọi người hạn chế dần dần từ bỏ hút thuốc lá tạo thành phong trào rất tốt đẹp.
"XU HƯỚNG HIỆN NAY LÀ TRUYỀN THÔNG SỐ SỐ, TRUYỀN THÔNG ĐA PHƯƠNG TIỆN THÌ VIỆC TRUYỀN THÔNG ĐÚNG, ĐỦ, NHANH LÀ YẾU TỐ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG VỚI AGRIBANK" |
Bây giờ xu hướng là truyền thông số, các cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện thì việc truyền thông đúng, đủ, nhanh là yếu tố vô cùng quan trọng với Agribank.
Với các ngân hàng, TCTD, tổ chức tài chính hoạt động trong một môi trường nhạy cảm. Bất kỳ một thông tin sai lệch có thể dẫn đến một sự sụp đổ của một ngân hàng lớn. Agribank ý thức được điều đó, vì khách hàng của Agribank rất đông, có đến 20 triệu khách hàng trên toàn quốc. Mọi thông tin sai lệch đều phải được phát hiện và truyền thông chính xác.
Agribank cùng các bạn phóng viên, giúp các bạn ấy có được cái nhìn sâu hơn về lĩnh vực chuyên ngành bọn mình rất hiểu để truyền tải được những thuật ngữ chuyên môn làm thế nào để mọi người hiểu, để những cơ quan có được sự chia sẻ, đồng cảm, góc nhìn đa chiều về hoạt động của hệ thống ngân hàng để các chính sách có sự cân bằng.
Những khó khăn của nền kinh tế sẽ kéo theo của ngành ngân hàng và ngược lại. Ngân hàng- nền kinh tế- doanh nghiệp- người dân là mối quan hệ vô cùng gắn kết, không tách rời.
Để làm được sự gắn kết ấy thì vai trò của truyền thông vô cùng quan trọng.
Phong trào chạy bộ "Vì tương lai xanh" của Agribank đã thu hút hàng chực triệu người tham gia. |
PV: Những năm gần đây, Agribank được biết đến như một ngân hàng luôn hướng về Trường Sa với nhiều hoạt động an sinh xã hội lớn, đầy ý nghĩa. Bà cũng được biết đến như một lãnh đạo nữ ngành ngân hàng đến với Trường Sa nhiều nhất, qua Tạp chí Lao Động và Công đoàn, bà muốn chia sẻ điều gì từ các hoạt động này?
Phong trào Trường Sa cũng là một phong trào Agribank khá mạnh. Đây là một chương trình an sinh xã hội thu hút được sự đồng lòng của toàn hệ thống Agribank.
Ở Trường Sa, Agribank có rất nhiều dấu ấn. Có một công trình nhà văn hóa đa năng trên đảo Cô Lin- đảo tiền tiêu, nơi năm 1988 đã xảy ra sự kiện Gạc Ma. Cô Lin là đảo là chúng ta đã giữ lại được, bây giờ có công trình nhà văn hóa khang trang. Có lẽ đây là sự may mắn khi Agribank được xây dựng công trình.
Năm vừa qua, 50 cán bộ Agribank lần đầu ra Trường Sa. Khi mọi người đặt chân lên đảo chìm, nhìn thấy logo Agribank, nhiều người bật khóc. Mọi người ngỡ ngàng khi giữa biển trời Việt Nam nhìn thấy một công trình gắn tên Agribank.
Đối với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, Agribank hỗ trợ vườn rau sạch, nhà giàn trên đảo chìm vì không có đất, những bộ thiết bị tập thể thao đa năng.
Agribank đưa ra những chương trình thiết thực. Hàng năm Agribank cũng tổ chức chương trình thăm các cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Không riêng Trường Sa mà còn cả các vùng đất khác, Agribank ủng hộ các thiết bị y tế.
Rất nhiều báo đã hỏi vì sao mình thích ra Trường Sa như vậy? Bởi mỗi lần ra thấy Trường Sa thay đổi, Trường Sa vững mạnh, thế trận an ninh quốc phòng của đất nước, nhìn thấy sự yên tâm khiến hậu phương, vừa thấy trách nhiệm của mình, vừa cảm thấy tự hào. Nó hun đúc tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam đến tất cả mọi người.
Một trong những lý do nữa khiến Agribank đến nhiều với Trường Sa là vì đại đa số ngư dân là khách hàng của Agribank. Với nhóm khách hàng lớn này, ngân hàng có nhiều chương trình như: Một triệu lá cờ cho ngư dân, Cùng ngư dân thắp sáng đèn biển,… nhằm góp phần động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế và góp phần bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Agribank đã cùng với Bộ NN&PTNT, Bộ Tư lệnh Hải quân cũng thực hiện việc tuyên truyền chính sách cho ngư dân bằng việc phát tờ rơi, hay hành động thiết thực như giúp ngư dân đóng tàu…
Đây vừa là trách nhiệm, vừa là sự chia sẻ, thể hiện sự gắn kết, thủy chung với khách hàng truyền thống của Agibank. Đó cũng là tính chất văn hóa của Agribank, là gắn với biển đảo, gắn với vùng sâu, vùng xa.
Trong các diễn đàn, mình cũng thường xuyên bày tỏ quan điểm, chúng ta hãy nhìn các vùng kinh tế ven biển giống như các khu công nghiệp để đầu tư bàn bản từ hạ tầng đến vấn đề quản lý về môi trường, quản lý đầu vào trong quy hoạch mặt nước, vùng nuôi, xử lý nước thải,… Điều này giúp nền kinh tế biển vận hành tốt, giảm bớt rủi ro, tạo sự ổn định, qua đó giúp huy động được đầu tư lớn. Rủi ro của ngư dân, người làm kinh tế biển sẽ kéo theo rủi ro của ngân hàng bởi khách hàng không có nguồn trả nợ.
Với Agribank gọi đó là “sứ mệnh” thì hơi to tát, nhưng thực sự là khi kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững thì chính Ngân hàng Agribank mới bền vững. Tương lai của Agribank gắn với nền nông nghiệp Việt Nam, 2/3 dư nợ gắn với nông nghiệp. Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ, là điểm tựa khi kinh tế khó khăn thì sản phẩm nông nghiệp vẫn sản phẩm đầu tiên. Khi các khu công nghiệp giảm đơn hàng thì khu vực nông nghiệp vẫn hấp thụ được hết, người công nhân mất việc vẫn có quê hương dang tay đỡ để quay về.
Bên cạnh đối tượng ngư dân, Agribank cũng hỗ trợ vốn đầu tư cho khách hàng ở vùng sâu, vùng xa. Hàng năm, Agribank tài trợ thường xuyên các công trình như làm cầu, xây các các trường học bán trú, hỗ trợ nhà cho người nghèo… Mỗi năm, ngân hàng huy động trong cán bộ, công nhân viên từ nguồn an sinh xã hội khoảng 400-500 tỷ đồng, có năm cao điểm 600-700 tỷ đồng. Hiện đời sống bà con vùng khó khăn đang ngày càng ổn định hơn. Bên cạnh nhờ đồng vốn của Agribank, có một phần rất quan trọng của truyền thông. Truyền thông giúp đối tượng khách hàng của Agribank thay đổi cách nghĩ, cách làm.
PV: Vậy bà đánh giá thế nào về sức mạnh của truyền thông, mạng xã hội đối với “người Agribank” và ngân hàng đã thực sự chủ động trong công tác truyền thông như thế nào?
Tại các hội nghị truyền thông đầu tiên cách đây gần chục năm trong hệ thống Agribank, tôi đã nói các bạn cần bắt nhịp với thông tin hàng ngày và khuyến khích cán bộ Agribank sử dụng mạng xã hội. Chính các bạn là một chiến sĩ trên mặt trận truyền thông, các bạn sẽ tiếp nhận thông tin, nắm bắt được thông tin trái chiều, kịp thời thông tin trở lại để chúng tôi tổng hợp và xử lý.
Ngoài ra, mỗi cán bộ Agribank cũng là một tuyên truyền viên. Nếu như trước đây khách hàng phải đến trụ sở, thì giờ đây khách hàng chỉ cần sử dụng qua app, sử dụng phương pháp giao dịch điện tử, lúc này mỗi cán bộ cần có mặt ở tất cả các nơi khách hàng có phản hồi.
Hiện tại, Agribank có xây dựng fanpage, tất cả các chi nhánh của ngân hàng cũng vậy. Các chi nhánh còn lập thêm group trên mạng xã hội với nhóm khách hàng của mình để kịp thời giải thích nếu bất kể có thông tin xấu, thông tin đồn đại tiêu cực.
Sức mạnh truyền thông chính là như thế. Dòng chảy tài chính và dòng chảy truyền thông luôn luôn là hai 2 dòng chảy thông suốt, không có sự nghẽn mạch.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Bảo an Tài khoản: Sản phẩm mới của Bảo hiểm Agribank Chỉ với hơn 70.000 đồng/năm, người dân nếu không may rủi ro mất tiền trong tài khoản sẽ được Bảo hiểm Agribank chi trả lên ... |