7 thách thức đón làn sóng FDI sau dịch
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
"Việt Nam trước cơ hội đón nhận một làn sóng FDI sau đại dịch COVID-19" là chủ đề tham luận được ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2022 do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 11/8.
Ông Tuấn nêu, trong 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã tập trung phát huy nội lực, thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo ông Tuấn, giai đoạn sau đại dịch, thu hút FDI vào Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới.
Thứ nhất, với việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các nhà đầu tư.
Thứ hai, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực của lãnh đạo cấp cao Đảng và nhà nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thứ ba, với sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, mội trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở lên thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Thứ tư, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ năm, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút đầu tư nước ngoài phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, bên cạnh các thời cơ, thuận lợi nêu trên thì Việt Nam cũng còn nhiều khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để đón nhận làn sóng đầu tư mới.
Một là, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia thời kỳ hậu COVID-19 sẽ ngày càng gay gắt do nguồn cung đầu tư nước ngoài giảm trong khi nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài phục hồi kinh tế gia tăng.
Hai là, việc các nước đang tiến tới áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động FDI tại Việt Nam.
Ba là, cơ chế, chính sách về đầu tư ngước ngoài vẫn còn chồng chéo, công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài tại các địa phương còn thiếu gắn kết, chưa theo đúng định hướng, dẫn đến việc thu hút đầu tư nước ngoài thiếu tính hệ thống, hiệu quả chưa cao.
Bốn là, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội chưa đồng bộ, năng lực dịch vụ hậu cần, logistics chưa cao, chi phí vận chuyển còn ở mức cao so với các nước trong khu vực.
Năm là, thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động công nghệ cao, những lĩnh vực công nghiệp mới. Nguồn nhân lực của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Cuối cùng, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa đáp ứng được khả năng tự cung ứng trong chuỗi sản xuất.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Anh Tuấn nêu một số giải pháp nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong bối cảnh mới, gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng, miền; phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy liên kết và lan tỏa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hiện đại hóa và đa dạng hóa công tác xúc tiến đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.