ACV báo lãi cao kỷ lục nhờ hàng không, du lịch phục hồi và đồng Yen mất giá
Ảnh minh họa |
Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã ACV) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 với doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 3.430 tỷ đồng, tăng trưởng 125% so với cùng kỳ 2021.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng 21% lên 1.808 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng doanh thu. Nhờ vậy, lợi nhuận gộp của công ty cũng tăng vọt 61 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1.622 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 1.906 tỷ đồng, cao hơn cả lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và gấp đôi cùng kỳ 2021. Trong đó, đóng góp lớn nhất là khoản 1.475 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại cuối kỳ, tăng hơn 1.000 tỷ đồng và gấp 3,3 lần cùng kỳ. Tiếp đến là 384 tỷ đồng từ lãi tiền gửi.
Trong khi đó chi phí tài chính đã giảm 76,4% so với cùng kỳ, xuống còn 21 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng hơn 110% lên 55 tỷ đồng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 27% còn 313 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, ACV ghi nhận mức lãi sau thuế cao kỷ lục 2.598 tỷ đồng, bằng 7,7 lần cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận lớn hơn tổng lợi nhuận của hai năm 2020 và 2021 cộng lại.
Lũy kế 6 tháng, ACV ghi nhận doanh thu thuần 5.538 tỷ đồng, tăng 61,6% so với cùng kỳ, lãi trước thuế 4.306 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.473 tỷ đồng, lần lượt tăng 188,4% và 189,4% so với 6 tháng đầu năm 2021. Năm 2022, công ty lên kế hoạch đạt tổng doanh thu 10.294 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 4.696 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, ACV đã hoàn thành 53,8% kế hoạch doanh thu và 91,7% mục tiêu lợi nhuận năm 2022.
Trong cơ cấu doanh thu 6 tháng của ACV, hoạt động phục vụ hành khách có đóng góp lớn nhất với gần 2.290 tỷ đồng doanh thu, kế đến là dịch vụ cất hạ cánh đóng góp 956 tỷ đồng vào tổng doanh thu; dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách và hành lý cũng mang về hơn 400 tỷ đồng cho ACV.
Ngoài ra, các dịch vụ phi hàng không như cho thuê mặt bằng, cho thuê quảng cáo,... cũng đóng góp 703 tỷ đồng doanh thu cho ACV trong nửa đầu năm, trong khi, doanh thu bán hàng hóa mang về 241 tỷ đồng.
Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của ACV tăng khoảng 900 tỷ đồng lên 55.883 tỷ đồng, trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng khoảng 29.272 tỷ đồng.
Tổng nợ tính đến cuối tháng 6 là 15.241 tỷ đồng, giảm gần 2.086 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 40.642 tỷ đồng, tăng 2.990 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,4.
Tính đến 30/6, khoản mục phải thu ngắn hạn từ các khách hàng đã tăng 63,5% so với ngày đầu năm, lên 4.438 tỷ đồng. Trong đó, 4 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam đang nợ ACV tổng cộng 3.850 tỷ đồng. Cụ thể: Vietnam Airlines nợ 918 tỷ đồng, Vietjet Air nợ 1.443 tỷ đồng, Bamboo Airways nợ 1.003 tỷ đồng và Pacific Airlines nợ 487 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm nhờ sự phục hồi của ngành hàng không, du lịch kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp hàng không đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong khi ACV ghi nhận mức lãi cao kỷ lục thì Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã HVN) vẫn lỗ 2.570 tỷ đồng.
Trong quý 2, mặc dù doanh thu thuần của HVN đạt hơn 18.323 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021, song giá vốn bán hàng trong kỳ cũng tăng tới 1,8 lần, lên 18.700 tỷ đồng khiến cho công ty lỗ gộp 377 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm doanh thu thuần của HVN đạt 29.944 tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với con số đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 và vượt 35,3% so với kế hoạch. Giá vốn lũy kế 6 tháng ở mức 31.915 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 1.972 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm đạt 254 tỷ đồng, nhích nhẹ 2,8% trong khi chi phí tài chính gấp tới 2,1 lần, lên gần 1.676 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay là 487 tỷ đồng.
Lãi trong các công ty liên doanh liên kết kỳ này của doanh nghiệp tăng đột biến lên gần 71 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước, mảng này lỗ gần 65 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các loại chi phí, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ thuần 5.218 tỷ đồng sau 6 tháng, giảm lỗ 38,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do lợi nhuận khác trong kỳ tăng đột biến gấp 33 lần, đạt gần 100 tỷ đồng nên kết thúc 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ trước thuế 5.118 tỷ đồng, giảm tới 40% lỗ so với con số lỗ hơn 8.487 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.