Bao giờ nhân viên y tế hết “tâm tư”?
Trạm y tế phường tổ chức tiêm vaccine mũi 4 cho người dân trên địa bàn. Ảnh: VOV |
Trong 3 năm qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các ban, ngành, đoàn thể, Việt Nam đã có được kết quả phòng, chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, sau thành quả chống dịch này, ngành Y tế, vốn là lực lượng tuyến đầu chống dịch vẫn còn rất trăn trở.
Thu nhập, trợ cấp chống dịch cho các nhân viên y tế chưa theo kịp so với yêu cầu của cuộc sống và so với những tâm tư nguyện vọng của các cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ y tế cơ sở.
Có thời điểm 70% cán bộ y tế mắc COVID vẫn phải làm việc
Sau thời gian dồn công sức và tâm sức chống dịch COVID-19, đến nay, cán bộ y tế cơ sở đã hết sức mệt mỏi về mặt thể chất và cũng rất khó khăn trong cuộc sống thực tế. Một cán bộ y tế cơ sở với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, thì trong thời kỳ giá cả leo thang, đặc biệt là giá xăng, dầu tăng như vừa qua, là khó khăn rất lớn phải vượt qua.
BS Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, phải có sự hậu thuẫn rất lớn từ người thân gia đình, sự động viên tinh thần từ đồng nghiệp để họ tiếp tục làm việc. Nhưng bấy nhiêu cũng chưa thể là đủ mà chúng ta cần phải tập trung vào việc nhanh chóng cải thiện chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ y tế cơ sở”.
Là người trực tiếp làm việc ở tuyến y tế cơ sở, BS Tuấn cho biết, hiện nay, việc quan tâm dù ít về mặt vật chất cũng hết sức quan trọng và khẩn trương triển khai. Bởi vì khó khăn đối với y tế cơ sở không phải là mới phát sinh gần đây mà đã là thực tế nhiều năm.
Nhân lực mỏng, nhiều nhất chỉ 10 người ở một trạm y tế phường, trong đó chỉ có 1 đến 2 bác sĩ... là áp lực rất lớn.
“Có những thời điểm, 70% cán bộ y tế mắc COVID-19 nhưng phải nhận điện thoại tư vấn cho các bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng. Chỉ có trong tâm dịch, chỉ có những người ở tuyến đầu mới thấu hiểu điều này. Nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của cán bộ y tế cơ sở”, BS Tuấn nói.
Là một trong những Trạm y tế điểm do Bộ Y tế lựa chọn, nên Trạm Y tế phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tiếp nhận khám, chữa bệnh số lượng bệnh nhân tương đối lớn, từ 250 đến 300 người mỗi tháng. Ngoài công tác khám, chữa bệnh, Trạm vẫn triển khai song song các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và các chương trình tiêm chủng, với nhân lực mỏng, gồm 1 bác sĩ, 2 y sĩ đa khoa, 1 y sĩ đông y, 3 điều dưỡng và một nữ hộ sinh.
“Về mặt nhân lực, nhìn chung tuyến trạm y tế thiếu nhân lực trầm trọng. Mỗi trạm chỉ có một bác sĩ và phải kiêm nghiệm rất nhiều việc. Vừa qua các phương tiện truyền thông cũng nói nhiều về vấn đề áp lực với tuyến y tế cơ sở. Mặt bằng chung, ở tuyến y tế cơ sở, công việc tương đối nhiều và chế độ, trợ cấp cho y bác sĩ hầu như không có. Chúng tôi chỉ có lương và phụ cấp ngành”, BS Trần Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Mỗ cho biết.
BS Trần Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Mỗ. Ảnh: VOV
Mong mỏi có thêm nhân lực, trang thiết bị và thuốc men
Tuyến y tế cơ sở “gần dân nhất” và hướng tới chức năng là lực lượng chủ đạo để chăm sóc và khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Hiện nay, y tế cơ sở triển khai khoảng 30 chương trình y tế, nên mỗi cán bộ y tế phải làm rất nhiều nội dung công việc khác nhau.
Theo BS Tuấn, đối với các cán bộ y tế, trong thâm tâm họ luôn mong muốn được hoạt động trong môi trường có đầy đủ trang thiết bị, các vật tư hóa chất, thuốc men liên quan, được đào tạo nâng cao tay nghề và được hằng ngày khám, chữa bệnh cho người dân, người bệnh. Song các cán bộ y tế cơ sở phải kiêm nhiệm rất nhiều việc.
“Tại mỗi trạm y tế chỉ có nhiều nhất 1 đến 2 bác sĩ và thường được phân công làm trạm trưởng trạm y tế. Theo đó, họ phải bao quát toàn bộ hoạt động của cả trạm - tức là tất cả công việc thuộc về lĩnh vực y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn. Đồng thời, phải hài hòa các quan hệ đối với chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể ở cơ sở, để làm sao huy động, tranh thủ được sự ủng hộ. Như vậy, những cán bộ này không chỉ cần có kiến thức chuyên môn mà phải có cả các kỹ năng giao tiếp khác, để tối ưu hóa kết quả các hoạt động”, BS Tuấn nói.
Đề xuất đầu tiên các cán bộ y tế cơ sở muốn nhắc đến luôn là vấn đề nhân lực và trang thiết bị. Bên cạnh đó, danh mục thuốc tuyến y tế cơ sở được kê đang ở trong phạm vi hạn chế, không được kê danh mục thuốc ở tuyến trên.
“Nhiều người bệnh cũng đã phàn nàn khi họ đi khám ở tuyến trên, được xét nghiệm được cấp rất nhiều thuốc… nhưng khi về khám tại tuyến y tế cơ sở chỉ được cấp một vài loại thuốc. Do vậy người bệnh đã kiến nghị được chuyển lại về tuyến trên để điều trị định kỳ”, BS Hoa nói.
Dưới góc độ của Công đoàn y tế, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, Công đoàn Y tế đã đề nghị giải quyết ngay hỗ trợ cho cán bộ chống dịch, cũng như xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp với nhân viên y tế tuyến cơ sở.
“Đây là quyền cán bộ y tế được hưởng mà tại sao vẫn chậm trễ. Như Bí thư Thành ủy TP.HCM đã nhận lỗi khi khen thưởng chậm. Không chỉ khen thưởng, mà chế độ phụ cấp cho cán bộ chống dịch đến nay một số đơn vị ở địa phương và cả Trung ương cũng chưa nhận được… Chúng tôi biết có những khi đến trạm y tế chỉ có 5 đến 7 người mà phải chăm sóc cho 30.000 người dân. Qua đợt dịch này, chúng ta đã thấy là sự bất cập, đến nghe điện thoại thực ra đã không đủ người, đừng nói chăm sóc người bệnh”, PGS.TS Phạm Thanh Bình nói.