Bình Dương dự kiến đầu tư hơn 160.000 căn nhà ở xã hội
Một dự án nhà ở xã hội ở Bình Dương. Ảnh: B.C.M. |
Dự kiến đầu tư khoảng 160.325 căn nhà ở xã hội cả giai đoạn 2021-2030
Vừa qua, tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh lần thứ 59, theo tường thuật của Cổng thông tin tỉnh Bình Dương.
Tại phiên họp đã cho biết về dự thảo Quyết định phê duyệt đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, dự kiến cả giai đoạn 2021-2030 tỉnh đầu tư khoảng 160.325 căn nhà ở xã hội (155.289 căn chung cư và 5.036 nhà liên kề, trong đó số căn cho thuê khoảng 32.065 căn).
Tổng diện tích đất khoảng 470,4 hecta, diện tích sàn xây dựng ước đạt 9.253.924 m2, đáp ứng cho khoảng 552.458 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 84.756 tỷ đồng, cao hơn chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến sẽ bố trí khoảng 136,1 hecta diện tích đất đầu tư hoàn thành khoảng 42.445 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn xây dựng đạt 2.612.721 m2, đáp ứng cho khoảng 138.326 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 23.817 tỷ đồng.
Giai đoạn 2026-2030, dự kiến sẽ bố trí khoảng 334,3 hecta diện tích đất, đầu tư hoàn thành khoảng 117.880 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn xây dựng đạt 6.641.203 m2, đáp ứng cho khoảng 414.132 dân số với tổng mức đầu tư khoảng 60.939 tỷ đồng.
Theo kết luận phiên họp, đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Sở Xây dựng chuẩn bị công phu, được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất cao. Ông Võ Văn Minh – Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhóm giải pháp về nguồn đất gắn với kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh, kế hoạch này cần cập nhật vào quy hoạch cấp huyện cho phù hợp; giải quyết các thủ tục liên quan cho nhà đầu tư, đồng thời cần kiên quyết thu hồi đối với các dự án chậm triển khai,…
Bình Dương tiên phong xây dựng và đưa vào sử dụng mô hình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
Trước đó, hồi cuối năm 2023, Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bình Dương tổ chức Hội thảo chuyên đề "Nhà ở xã hội - Điểm sáng của bất động sản Bình Dương".
Theo báo cáo tại hội thảo của Sở Xây dựng, hiện Bình Dương có 29 khu công nghiệp, tổng diện tích 12.600 hecta, tỷ lệ lấp đầy 91%, với gần 2 triệu lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước và cả nước ngoài. Với nguồn lực lao động này, nhu cầu về nhà ở là cực kỳ lớn, đặc biệt là các đối tượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp.
Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển nhà ở xã hội, trong đó có chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân và người lao động có thu nhập thấp.
Bình Dương được xem là tỉnh tiên phong trong việc xây dựng và đưa vào sử dụng mô hình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân mang lại nhiều hiệu quả nhất.
Phát triển nhà ở xã hội tỉnh Bình Dương được các Bộ ngành Trung ương đánh giá là điểm sáng của thị trường bất động sản trong và ngoài tỉnh.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Dương đã thu hút 82 dự án phát triển nhà ở xã hội, với tổng diện tích sàn nhà ở 3,8 triệu m2, đáp ứng cho 238.325 người, với tổng mức đầu tư 19.034 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã đầu tư được 1,33 triệu m2 sàn/ 2 triệu m2 sàn đạt tỷ lệ 65% kế hoạch.
Bên cạnh đó, Bình Dương đã huy động được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Điển hình là Becamex IDC, một doanh nghiệp Nhà nước, đã được tỉnh giao trọng trách xây dựng nhà ở xã hội. Với những lợi thế sẳn có về nguồn vốn, quỹ đất và hạ tầng, đã góp phần mang đến những dự án nhà ở xã hội đồng bộ, phù hợp và giá thành thấp cho người lao động.
Ông Bùi Ngươn Phong, chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội chia sẻ, dù đạt những thành công về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, song có thể thấy, đến nay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người dân.
Theo vị này, nguyên nhân là nhiều nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với xây dựng các dự án nhà ở xã hội như: thiếu quỹ đất, khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, thủ tục pháp lý kéo dài và chủ đầu tư còn bị khống chế lợi nhuận. Bên cạnh đó, đối tượng mua nhà ở xã hội cũng rất khó tiếp cận, bởi các ràng buộc về điều kiện thụ hưởng như thu nhập, địa chỉ thường trú, thời hạn đóng bảo hiểm.
Xem thêm: Người lao động mua nhà ở xã hội cần đáp ứng điều kiện gì?
Hà Nội cho HANDICO 5 tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở xã hội, giá hơn 13 triệu đồng/m2 Sở Xây dựng TP. Hà Nội đã có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội (căn thuê ... |
Phê duyệt quy hoạch thiết chế công đoàn, có xây nhà ở cho công nhân ở Thừa Thiên Huế UBND thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu quy hoạch xây ... |
Chi tiết đối tượng được đăng ký thuê nhà ở xã hội Đà Nẵng giá từ hơn 2,5 triệu đồng/căn Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng có thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội tại dự án ... |