Bộ Tài chính ngại tăng lương ở thời điểm nhạy cảm
Quan điểm trên được Bộ Tài chính nêu tại văn bản giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về thời điểm thực hiện tăng lương cơ sở.
Trước đó, như đã thông tin, khi thảo luận tại tổ về ngân sách, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, 4 năm chưa tăng lương, người hưởng lương khó khăn, vì vậy đề nghị điều chỉnh tăng lương sớm hơn, từ ngày 1/1/2023 thay vì từ 1/7/2023 như phương án đã được Chính phủ đề xuất.
Văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ, thực hiện kết luận số 20-KL/TW ngày 16/20/2021 của Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương về nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.
Mặc dù xác định đây là nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng, cấp thiết, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 và giá cả xăng dầu, hàng hóa cơ bản... tác động tới nhân dân cả nước (trong đó có độ ngũ cán bộ, công chức, viên chức), nhưng trước nguy cơ lạm phát cao, thì việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế- xã hội nói chung.
Vì vậy, Chính phủ tiếp tục tham mưu các cấp thẩm quyền chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW trong năm 2023. Thay vào đó, đề xuất từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%), cơ bản bù đắp mức độ trượt giá thời gian qua.
Ngoài ra, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2023 thay vì từ đầu năm là do thời điểm đầu năm gần với tết dương lịch và âm lịch, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. Nếu thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm này sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính giải thích về tính nhạy cảm của thời điểm.
Về đề nghị của đại biểu về xác định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 trong Nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài, Bộ Tài chính hồi âm rằng, tại các báo cáo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 trình Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo nhu cầu và nguồn tích lũy để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Do bối cảnh thế giới, trong nước đang chịu áp lực lạm phát lớn, nên Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội lùi thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW sau năm 2023.
Trường hợp các áp lực lạm phát giảm, không có biến động lớn về kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ khẩn trương trình các cấp thẩm quyền về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương Nghị quyết 27-NQ/TW.
Hồi âm ý kiến đại biểu đề nghị cần lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội cần đảm bảo cao hơn chuẩn nghèo đô thị, Bộ Tài chính cho rằng, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 được quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ (thực hiện từ năm 2022).
So với quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 quy định tại Quyết địnsố 59/2015/QĐ-TTg, thì chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 có mức tăng đáng kể (chuẩn nghèo khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người dưới 1.500.000 đồng/tháng, so với mức cũ là dưới 700.000 đồng/tháng; tăng 2,15 lần) và theo quy định thì đây chỉ là tiêu chí, điều kiện để được hưởng các chính sách hiện hành hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo (không phải là mức thực được hưởng), thời gian áp dụng đến hết năm 2025.
Theo đó, việc so sánh chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023 với chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 là chưa đồng chất và cần được xem xét kỹ.
Cụ thể, việc điều chỉnh chuẩn nghèo thực chất là việc thay đổi tiêu chí, điều kiện xác định hộ nghèo để từ đó xác định đối tượng được hưởng các chính sách an sinh xã hội, chứ không phải thay đổi mức hỗ trợ của nhà nước đối với người nghèo. Trong khi đó mức trợ cấp ưu đãi người có công là mức hỗ trợ từ NSNN cho các đối tượng được thụ hưởng theo quy định.
Chuẩn nghèo là tiêu chí được áp dụng cho giai đoạn dài, đến hết năm 2025; trong khi đó trợ cấp người có công được điều chỉnh hàng năm căn cứ vào khả năng của NSNN và yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ xã hội.
Theo Bộ Tài chính thì mức trợ cấp người có công dự kiến điều chỉnh tăng 20,8% từ 1/7/2023, cũng là mức tăng khá.
Ngoài ra, chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội mới được điều chỉnh năm 2021 theo nghị định số 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7/2021 đã có mức tăng khá (tăng 33,3% từ mức 270.000 đồng/tháng lên mức 360.000 đồng/tháng).