Bố trí hơn 400ha đất phát triển nhà ở xã hội tại Hà Nội
Giải pháp hiện thực hoá Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội |
Ảnh minh hoạ. |
Theo thống kê chưa đầy đủ, nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội là trên 130.000 căn hộ, đáp ứng cho 0,5 triệu người.
Đây là số liệu được Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong thông tin tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trong năm 2024 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 22/2.
Theo ông Phong, Chương trình phát triển nhà ở của thành phố Hà Nội đến năm 2030 xác định: đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội; đến 2030 hoàn thành 2,5 triệu mét vuông. Cộng với nhu cầu hiện nay, thành phố cần hoàn thành khoảng 6,8 triệu mét vuông.
Với nhu cầu lớn như vậy, Hà Nội đã chủ động dành hơn 400ha để phát triển nhà ở xã hội; thành phố cũng đã chủ động bố trí 5 khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 270ha, hơn 1 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 15.000 căn hộ. Đến nay, 4/5 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, làm cơ sở để lựa chọn chủ đầu tư dự án.
Ngoài ra, thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát quỹ đất ở 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển mới các dự án nhà ở xã hội.
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của thành phố và Đề án thí điểm 1 triệu căn hộ của Chính phủ, giai đoạn 2021 - 2023, Hà Nội đã hoàn thành 5 dự án với tổng số 5.200 căn. Giai đoạn 2024 - 2025 tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thành 17 dự án với trên 15.000 căn.
Giai đoạn 2026 - 2030, trên cơ sở rà soát lại quỹ đất, Hà Nội sẽ tập trung đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện; rà soát tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, thu hồi đất, giao đất, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, bố trí vốn linh hoạt vốn với các dự án đầu tư mà thành phố giao cho sở chuyên môn, các quận, huyện lập chủ trương đầu tư.
Giai đoạn 2024 - 2030, thành phố phấn đấu có khoảng 58 dự án triển khai, hoàn thành 3,74 triệu m2, với khoảng 56.700 căn hộ, đáp ứng yêu cầu Đề án đặt ra cho thành phố.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được giải quyết trong Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua. Bộ Xây dựng, cùng với các bộ, ngành cần rà soát, phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ; đồng thời khẩn trương xây dựng, đưa những điểm mới trong pháp luật đất đai, nhà ở,… vào cuộc sống. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công việc phải rất chi tiết, cụ thể, như xác định đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội, trình tự thủ tục đầu tư, tiếp cận vay vốn ưu đãi,...
Đối với khó khăn về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Phó Thủ tướng cho rằng, phải đơn giản hóa các tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội, như: chưa có nhà ở trên địa bàn đang sinh sống, chưa được mua nhà ở xã hội, có việc làm thu nhập ổn định,…; đồng thời bổ sung các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vào đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội làm ký túc xá cho công nhân. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp,… tham gia thống kê, đề xuất, để các địa phương tổng hợp nhu cầu nhà ở.
Từ đó, yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, phục vụ nhu cầu nhà ở khi phát triển các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế, giải phóng mặt bằng, tái định cư, xóa nhà tạm, chỉnh trang đô thị, nông thôn,…
Phó Thủ tướng cho biết thêm: "Luật Đất đai năm 2024 không hạn chế sử dụng quỹ đất đã có, phù hợp với quy hoạch được cấp thẩm quyền quyết định để chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở xã hội".
Phó Thủ tướng cũng đồng tình với kiến nghị cần có nguồn tài chính ổn định cho phát triển nhà ở xã hội và cho rằng, bên cạnh nguồn lực Nhà nước cần huy động được nguồn lực ngoài nhà nước tham gia. Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương án, giải pháp tạo thuận lợi, hỗ trợ các ngân hàng triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nhà ở xã hội theo cơ chế thị trường; cho phép doanh nghiệp thế chấp tài sản hình thành trên đất để vay vốn tín dụng; thành lập quỹ về nhà ở xã hội,…
Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội liệu có thành hiện thực? Việc phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua đã đạt được kết quả quan trọng, nhiều địa phương đã tích cực ... |