Nguồn lợi "khủng" của liên kết ngân hàng- bảo hiểm
Thị trường bảo hiểm Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng to lớn do tỉ lệ người tham gia bảo hiểm còn khiêm tốn và sự gia tăng đáng kể của tầng lớp trung lưu. Thời gian gần đây, hoạt động phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua kênh ngân hàng đang ngày càng phát triển nhanh chóng.
Tính riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngành bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định. Với nguồn lợi vài trăm đến cả nghìn tỷ mỗi năm, các ngân hàng khó có thể bỏ qua mối lợi này.
Bộ Tài chính vừa công bố thông tin tổng doanh thu phí bảo hiểm tháng 1/2023 ước đạt 21.358 tỉ đồng, tăng 13,38% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Nhiều ngân hàng hợp tác cùng với công ty bảo hiểm trong các hợp đồng độc quyền. |
Standard Chartered Việt Nam, HSBC Việt Nam, Sacombank và Techcombank là 4 ngân hàng tiên phong. Trong đó, nhiều cái “bắt tay” nghìn tỷ của 2 ông lớn ngân hàng và bảo hiểm có thể kể đến như Sun Life- TPBank, Vietcombank- FWD, ACB- Sun Life,…
Tháng 11/2019, Sun Life Việt Nam đã ký thỏa thuận tương tự với NH TMCP Tiên Phong (TPBank) với giá trị được tính toán khoảng 1.700 tỉ đồng.
Cũng tháng 11/2019, một thương vụ nghìn tỉ khác là ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hợp tác với FWD với thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối trong thời hạn 15 năm. Phí trả trước cho thương vụ này được ước tính mang về cho Vietcombank khoảng 400 triệu USD (tương đương khoảng 9.300 tỉ đồng).
Tháng 11/2020, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam công bố thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ kéo dài 15 năm tại Việt Nam. Hợp tác bắt đầu được triển khai từ đầu năm 2021. Dù không công bố giá trị thương vụ nhưng theo một số công ty chứng khoán, khả năng ACB có thể mang về hàng nghìn tỉ đồng.
Cụ thể, ước tính của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mức phí trả trước mà ACB có thể nhận được là hơn 90 triệu USD (khoảng hơn 2.000 tỉ đồng). Theo giả định của Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI, phí độc quyền của ACB khi hợp tác phân phối bảo hiểm cho Sun Life Việt Nam có thể khoảng 2.500-3.000 tỉ đồng.
Theo BVSC, hợp đồng độc quyền bancassurance không chỉ giúp ACB kiếm được một khoản phí trả trước cao hơn so với các NH khác mà còn tạo ra một nguồn thu nhập ổn định sau đó.
Từ đó, nhiều ngân hàng, nhân viên tín dụng ra điều kiện khách hàng phải mua gói bảo hiểm nhân thọ để được nhanh chóng giải ngân khoản vay. Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn mời khách gửi tiền mua bảo hiểm nhân thọ để được hưởng lãi suất cao hơn, thậm chí có nhiều trường hợp khách hàng lên tiếng vấn đề tiền gửi tiết kiệm bỗng biến thành bảo hiểm nhân thọ.
Dự báo tương lai bancassurance
Trước tình trạng “ép” người vay vốn mua bảo hiểm của nhiều ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã tuýt còi hành vi ép khách vay mua bảo hiểm.
Bộ Tài chính cho biết cũng đã đề xuất một loạt nội dung rất chặt chẽ tại dự thảo thông tư hướng dẫn nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm.
Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, ngăn chặn việc ngân hàng ép khách vay phải mua bảo hiểm, tới đây các ngân hàng phải ghi âm và lưu ít nhất trong năm năm toàn bộ nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Đây là chứng cứ để xem xét nhân viên đại lý bảo hiểm tư vấn cho khách hàng có đúng, đầy đủ hay không.
Mặt khác, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung cung cấp thông tin và tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm. Bên cạnh đó, sắp tới một số khoản chi của bảo hiểm cho ngân hàng cũng sẽ được khống chế. Mục đích là hạn chế lợi nhuận trả cho ngân hàng khi tham gia hoạt động bán bảo hiểm.
![]() |
Các chuyên gia bảo hiểm cảnh báo, nếu tình trạng ngân hàng - bảo hiểm ép khách vay phải mua bảo hiểm không được chấn chỉnh, ngăn chặn sớm thì thị trường bảo hiểm sẽ gặp khó khăn. Bởi mục đích người đi vay tiền không phải để mua bảo hiểm để được bảo vệ khi có ốm đau hoặc khi tai nạn xảy ra. Người đi vay tiền để làm ăn, xây nhà,… lại phải cõng thêm một khoản tiền để mua bảo hiểm. Nếu kéo dài tình trạng này, sẽ khiến người dân mất niềm tin về sản phẩm bảo hiểm.