Cần có cách nhìn thoáng hơn để người nông dân dễ tiếp cận vốn
Ảnh minh hoạ |
Ông Vũ Văn Tiến - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong phát triển hợp tác xã và chuỗi giá trị tài chính tín dụng đóng vai trò rất quan trọng, nếu thiếu vốn sẽ không khuyến khích hợp tác xã hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ mới, đẩy mạnh chế biến...
Hệ quả của việc hạn chế tiếp cận tín dụng c chỉ khuyến khích hợp tác xã thu gom nguyên liệu thô, năng suất và hiệu quả sản xuất thấp, không khuyến khích được nông dân vào hợp tác xã.
Hợp tác xã phụ thuộc vào doanh nghiệp trong chuỗi liên kết hoặc tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp phải đầu tư vốn cho sản xuất dẫn đến cả hợp tác xã và chuỗi liên kết không phát triển, nông dân dễ sập bẫy tín dụng đen và là cơ hội cho tín dụng đen phát triển.
Hệ thống ngân hàng cần tham gia sâu vào chuỗi liên kết sản xuất
Là doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo với các hợp tác xã, ông Nguyễn Chánh Trung – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, đối với ngành cà phê, các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới họ sẵn sàng tài trợ cho nông dân vay vốn, nhưng với ngành lúa gạo thì họ chỉ cho doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo vay.
Do vậy, với những nông dân có ruộng từ vài hecta trở lên trong điều kiện giá vật tư vào đầu vào tăng cao như hiện nay, nếu muốn ứng dụng các công nghệ mới, hoặc các loại phân bón vi sinh thì rất ít nông dân có điều kiện. Lâu nay họ chỉ mua vật tư nông nghiệp với đại lý quen, và mua với hình thức ghi nợ nên phải theo mãi một cửa hàng, và sử dụng mãi một thứ thuốc mà cửa hàng vật tư đó cung cấp.
Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm chuyển đổi và áp dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Đứng trước thực tế này các ngân hàng cần có cách nhìn thoáng hơn để bà con dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng.
Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, các ngân hàng cần có một cơ chế để có thể ‘bơm’ được vốn tín dụng cần thiết hỗ trợ người nông dân ở các khu vực sản xuất, các hợp tác xã.
Đối với bà con nông dân là thành viên các hợp tác xã có sử dụng nhật ký sản xuất ghi chi phí đầu vào, đầu ra trong chuỗi liên kết sản xuất có bao tiêu nếu ngân hàng dựa trên cơ sở này mà công nhận, và trở thành yếu tố đệ trình xin cấp tín dụng thì quá tuyệt vời.
Đối với doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết có bao tiêu, cái khó nhất của họ là khi vô mùa vụ đi thu mua lúa cần một lượng tiền rất lớn.
Cụ thể, năm 2017, Tân Long tham gia bao tiêu lúa gạo cho bà con, vào vụ thu hoạch công ty đi thu mua lúa đến nơi có tiền mặt bà con mới giao lúa cho doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp nhận 1.000 tấn lúa/ngày, cần từ 6 - 7 tỷ đồng, nếu nhận 2.000 - 3.000 tấn lúa/ngày, cần vài chục tỷ đồng. Qua đó cho thấy sự cấp bách của tiền mặt và vòng vốn một ngày là rất lớn. Chính vì vậy, kênh tài trợ của hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết là rất cần thiết, vì đây mới là đóng góp sâu vào chuỗi giá trị bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long.
“Đối với những doanh nghiệp đem lúa về và ra sản phẩm rồi thì họ có thể xin vay bù đắp, ngân hàng đến đánh giá nguồn hàng của họ cho họ vay. Khi nào chúng ta đa dạng hóa được nguồn vốn sẽ từng bước giải quyết được vấn đề.
Chưa có giải pháp nào giúp đỡ cho ngành lúa gạo về mặt chi phí
Cuối cùng vấn đề muôn thuở của ngành lúa gạo là lợi nhuận mỏng, dù doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm chi phí thế nào đi nữa cũng chỉ kéo giảm được vài trăm đồng/kg gạo, trong khi biên độ thị trường đầu ra, đầu vào hoặc dự trữ lại bị hao hụt, hoặc bị biến chất thì biến động quá lớn so với chi phí sản xuất, mà tiết kiệm được như vậy thì lãi suất đầu vào cho ngành lúa gạo phải cạnh tranh phải thấp.
"Từ trước đến nay các ngành các cấp đã đề cập rất nhiều về vấn đề này, nhưng chưa thật sự có một giải pháp nào giúp đỡ cho ngành lúa gạo về mặt chi phí cả. Tôi cho rằng đã đến lúc rất cần phải đặt vấn đề thật sự nghiêm túc”, Phó tổng giám đốc Tân Long group nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) nhìn nhận, với 18.795 hợp tác xã nông nghiệp và nhu cầu vốn của họ là có thật, nhưng với cách tiếp cận vốn vay ưu đãi cho hợp tác xã thì lượng giải ngân 2,18% là quá thấp. Do vậy, “khẩu vị” tín dụng nông nghiệp của các ngân hàng thương mại cần thay đổi.
Hãy nhìn nông nghiệp không phải là lĩnh vực là quá nhiều rủi ro, và nên chăng tiếp cận vấn đề này cụ thể và bao trùm hơn. Vì vậy, đề nghị Ngân hàng nhà nước tham mưu cho Vụ tín dụng và các ngân hàng thương mại xem xét thay đổi “khẩu vị” tín dụng cho phù hợp hơn”, ông Toản khuyến nghị.