Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân |
Theo đó, ông Trương Anh Tuấn đưa ra dẫn chứng có đến 80% người mua nhà ở xã hội sau 2 năm đã không còn ở đó, chỉ còn 20% số người mua ở lại. Từ đó cho thấy, nhà ở xã hội đang được giao cho không đúng đối tượng. Điều này không chỉ làm mất đi ý nghĩa của nhà ở xã hội mà còn gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp khi phát triển phân khúc sản phẩm này.
Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Tuấn cho biết, hiện tại các chế tài liên quan đến việc mua - bán trục lợi nhà ở xã hội vẫn còn lỏng lẻo.
Trong khi còn rất nhiều lĩnh vực liên quan đến nhà ở xã hội còn chưa được điều chỉnh thì pháp luật mới chỉ quy định xử phạt đối với người thực hiện hành vi mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng, không đúng quy định của pháp luật.
Một nguyên nhân khác khiến nhà ở xã hội chưa hướng đến đúng đối tượng là việc thực thi pháp luật và sự thiếu đồng bộ về cơ sở dữ liệu, quản lý yếu kém.
Đề xuất giải pháp, lãnh đạo Địa ốc Hoàng Quân kiến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần là người điều hành quản lý chung cư đó suốt đời, không thể để việc quản lý thuộc về ban quản trị chung cư như hiện nay, nhằm giúp nhà ở xã hội hướng đến đúng đối tượng.
Về phía Địa ốc Hoàng Quân, hiện tại doanh nghiệp đã phát triển được 25 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, đã hoàn thành 10 dự án với khoảng 10.000 căn hộ. Riêng tại TP.HCM, Địa ốc Hoàng Quân đã hoàn thành 4.000 căn nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi đầu tư nhà ở xã hội là quỹ đất. Tại TP.HCM, quỹ đất công không còn nhiều, gây khó khăn lớn cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc này. Bên cạnh quỹ đất, quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội trong các dự án hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.