Chuyên gia nhận định về những “cơn gió ngược” với kinh tế Việt Nam năm 2023
Theo ông Nguyễn Đức Hiển, tại hội nghị Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra hồi tháng 12/2022 và các diễn đàn kinh tế gần đây của Chính phủ đã làm rõ các kết quả đạt được, khi hoàn thành 14/15 các chỉ tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, các chuyên gia cũng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 có những cơ hội nhưng cũng có những khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Những yếu tố bất lợi kép từ bên ngoài và bên trong mới phát sinh khó lường, chưa dự báo được, có thể gây ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam.
“Nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại, từ 2,2 – 2,5%, nhiều khu vực, quốc gia có nguy cơ rơi vào suy thoái. Những tác động đó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam, từ thị trường tài chính tiền tệ cũng như các yếu tố khác”, ông Nguyễn Đức Hiển thông tin.
Theo đại sứ Phạm Quang Vinh, nhìn nhận lại năm 2022, có hai yếu tố chính bao gồm cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước trên thế giới, cuộc khủng hoảng Ukraine và phản ứng nhiều chiều tạo ra những đứt gãy của chuỗi cung ứng
Những gì bất ngờ nhất, tạo nên rủi ro và nguy cơ nhất đã xảy ra vào năm 2022, cạnh tranh Mỹ - Trung sau cuộc gặp Trung Quốc - Mỹ đã cho thấy xu thế quản trị cạnh tranh để không xảy ra cạnh tranh. Trong năm 2023 và vài ba năm tới nhiều khả năng không xảy ra xung đột quân sự. Phân tách về chuỗi cung ứng và chính trị, kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn có phân tách nhưng không thể hoàn toàn.
Câu chuyện Ukraine - Nga có những tác động, căng thẳng này sẽ vẫn kéo dài, kịch bản bùng nổ xung đột lớn hơn, tuy nhiên phản ứng Mỹ và châu Âu trong câu chuyện này sẽ là thắt chặt hơn. Trong năm 2022, có lẽ hai bất ngờ thứ nhất là khủng hoảng Ukraine và phản ứng của phương Tây cùng lúc khiến cho người ta hoảng sợ và bất ngờ.
Kinh tế thế giới năm 2023 sẽ đương đầu với nhiều yếu tố khó khăn, nhưng tính bất ngờ không còn nữa và sự chuẩn bị đã có. Môi trường quốc tế trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dù có những khó khăn nhưng vẫn có những điểm thuận.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, nếu nhìn vào nội tại, sẽ có cửa dù là cửa hẹp trong năm nay để Việt Nam có thể đổi chiều được chính sách, giải quyết được khó khăn trong nội tại nền kinh tế khi mà điều kiện nội tại của nền kinh tế cho phép. Dự báo quý 1/2023 sẽ là một quý mà không có con số tăng trưởng kinh tế tích cực nào ở trong nước. Quý 2/2023 có thể sẽ tiếp tục khó khăn.
Ngày 13/1 sẽ có số liệu lạm phát của Mỹ, thị trường đang đặt cửa lên đến 75% rằng Bộ Lao động sẽ công bố số liệu lạm phát hạ nhiệt từ 7,1 xuống 6,6% hoặc 6,5%, như vậy Fed sẽ chỉ nâng lãi suất 0,5%. Còn hai lượt nâng lãi suất nữa vào tháng 3 và tháng 5/2023, thời điểm đầu tháng 5/2023 nhiều khả năng là lần nâng lãi suất cuối cùng và duy trì như vậy đến cuối năm 2023. Như vậy từ sau tháng 5/2023 sẽ không phải đua lãi suất trong nước nữa, Việt Nam sẽ có dư địa ổn định chính sách.
Có thể kỳ vọng vào cơn gió xuôi khi Trung Quốc mở cửa, nhưng cũng sẽ phải lo ngại về khả năng hỗn loạn chính sách mất một thời gian. Quý 1/2023 sẽ chứng kiến những sự hỗn loạn tại Trung Quốc nhưng từ quý 2/2023 sẽ có những sự ổn định và thích ứng dần dần. Mỹ có thể rơi vào suy thoái kinh tế từ quý 2 và quý 3/2023, châu Âu có thể suy thoái từ trước đó, nhưng tình hình sẽ ổn định và đó chính là “cửa hẹp” để chúng ta thoát khỏi tình hình khó khăn này.
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, nhấn mạnh đến ba yếu tố nổi bật nhất của năm 2023 bao gồm lạm phát, giải ngân vốn đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp
Ông Lâm phân tích kinh tế Việt Nam có độ trễ so với Mỹ và thế giới ước tính khoảng 6 tháng. Như vậy lạm phát cũng sẽ có độ trễ, lạm phát những tháng gần đây tháng sau cao hơn tháng trước mặc dù lạm phát bình quân cũng chỉ trên 3%. Chỉ số về lạm phát và biến cố về xử lý trái phiếu doanh nghiệp là hai yếu tố cần phải vô cùng quan tâm. Đã có những tính toán rằng nếu Trung Quốc mở cửa hoàn toàn từ giữa năm 2023, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt nhưng lạm phát toàn cầu cũng sẽ tăng bởi Trung Quốc sử dụng rất nhiều nguyên vật liệu. Bloomberg từng tính toán rằng nếu Trung Quốc mở cửa, lạm phát toàn cầu có thể tăng thêm đến 20%, như vậy sẽ vô cùng khó khăn, làn gió từ Trung Quốc sẽ mang đến cơ hội nhưng cả thách thức cho kinh tế toàn cầu, nổi bật nhất phải kể đến lạm phát.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là thị trường nhập siêu lớn nhất. Việt Nam xuất sang Trung Quốc chỉ một số sản phẩm cơ bản, còn lại nhập khẩu toàn bộ nguyên vật liệu để sản xuất, nếu thị trường Mỹ, EU không có nhu cầu về da giày, may mặc thì xuất khẩu chắc chắn khó khăn, như vậy làn sóng Trung Quốc cũng không chắc mang lại những yếu tố tích cực cho kinh tế Việt Nam
Trong năm 2022, đã giải ngân được 22,4 tỷ USD, dù vốn đăng ký suy giảm nhưng vốn giải ngân vẫn tăng và cao nhất trong 5 năm, tuy nhiên cũng phải nói đây là vốn giải ngân theo đăng ký từ trước đó. Tuy nhiên trong năm 2023, FDI sẽ khó khăn hơn và thậm chí giảm trong năm 2024 và 2025. Dù vậy cũng phải nhìn vào mặt trái của FDI, có những nhà đầu tư vào Việt Nam để tận dụng một số hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, hoặc có những nhà đầu tư coi Việt Nam như “vùng đệm” để xuất khẩu, lợi dụng ưu đãi, chính vì vậy cũng thực sự cần phải cẩn trọng với FDI.