Công đoàn – “nền tảng đạo lý” trong kiến tạo doanh nghiệp có trách nhiệm |
Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định phát triển kinh tế không thể tách rời phát triển con người. Đó là nền tảng để định hình lại mối quan hệ giữa ba trụ cột: “Doanh nghiệp, người lao động và công đoàn” như một cấu trúc sinh thái không thể thiếu trong hành trình kiến tạo một nền kinh tế bền vững, công bằng và nhân bản.
![]() |
Thành công của doanh nghiệp không đến từ dây chuyền hay vốn đầu tư, mà đến từ bàn tay, khối óc và trái tim của người lao động. |
Trong nhiều thập kỷ, tăng trưởng kinh tế thường được định lượng bằng chỉ số GDP, tỷ lệ xuất khẩu hay tốc độ công nghiệp hóa. Nhưng ngày nay tiêu chí đã được đo bằng tiêu chí khác. Đó là, một nền kinh tế chỉ thực sự thịnh vượng khi người dân trong đó được hạnh phúc, không chỉ bằng thu nhập mà bằng phẩm giá, sự tôn trọng và cơ hội phát triển.
Trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm có tính định hướng chiến lược về phát triển kinh tế tư nhân đã chỉ rõ: “Phát triển kinh tế không thể tách rời phát triển con người”. Đây không chỉ là một tư duy tiến bộ, mà còn là một bước ngoặt trong cách nhìn nhận lại hệ giá trị cốt lõi của tăng trưởng. Trong đó, doanh nghiệp không thể phát triển bền vững nếu thiếu đạo đức, thiếu nhân văn và thiếu sự gắn bó sâu sắc với người lao động.
Có một sự thật hiển nhiên nhưng thường bị “bỏ quên”. Đó là, tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp không nằm trên sổ sách, mà nằm trong đôi bàn tay và khối óc của người lao động. Họ là người trực tiếp vận hành máy móc, chăm sóc khách hàng, quản lý chất lượng và nuôi dưỡng hình ảnh doanh nghiệp mỗi ngày lặng lẽ mà bền bỉ.
![]() |
Trong nền kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, người lao động không còn là “công cụ sản xuất” đơn thuần, mà là tác nhân đổi mới sáng tạo, là “người đồng sáng lập giá trị” cùng doanh nghiệp. |
Một doanh nghiệp có thể sở hữu công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn, chiến lược sắc sảo… nhưng nếu thiếu một đội ngũ nhân sự trung thành, sáng tạo và hạnh phúc, tất cả những lợi thế ấy đều có thể tan biến trong khủng hoảng.
Thế nhưng, ở nhiều nơi người lao động vẫn bị coi như “chi phí sản xuất”. Họ dễ bị thay thế, dễ bị sa thải, đôi khi bị “bỏ quên” trong các cuộc đàm phán lớn lao giữa các tầng lãnh đạo. Họ gánh chịu những bất ổn thị trường đầu tiên và nhận phần thưởng sau cùng.
Chính vì thế, đưa con người trở lại vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển như Tổng Bí thư khẳng định là một sự lựa chọn mang tính đạo lý, đồng thời là điều kiện sống còn để nâng tầm doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong kỷ nguyên cạnh tranh toàn cầu.
Trong môi trường kinh tế ngày càng vận hành theo các chỉ số, công suất và biên lợi nhuận, công đoàn là một trong những thiết chế hiếm hoi tồn tại không nhằm tối đa hóa lợi nhuận, mà để bảo vệ con người. Vai trò ấy không chỉ dừng lại ở việc đàm phán lương, hỗ trợ khiếu nại, mà còn sâu sắc hơn: “Công đoàn là người giữ nhịp cho những giá trị đạo đức trong doanh nghiệp không bị cuốn trôi”.
![]() |
Để phát huy vai trò đó, người lao động cần được bảo vệ và trao quyền. |
Công đoàn hiện đại không “chống lại” doanh nghiệp, mà đồng hành, phản biện, hỗ trợ và cùng doanh nghiệp kiến tạo một môi trường làm việc bền vững, văn minh. Để mỗi chính sách nhân sự không chỉ đúng luật mà còn đúng tình, để người lao động không đơn độc khi đối diện khó khăn, và để người chủ doanh nghiệp không vô tình đi xa khỏi những giá trị cốt lõi làm nên lòng trung thành.
Một doanh nghiệp thực sự hiện đại không thể chỉ có giám đốc và công nghệ. Họ cần có người lao động gắn bó, công đoàn hiệu quả và một ban lãnh đạo thấm nhuần triết lý “phát triển đi cùng phát triển con người”. Khi ba trụ cột ấy hài hòa, doanh nghiệp sẽ có được những điều quý giá nhất: “Sự ổn định, sáng tạo, khả năng hồi phục và sức lan tỏa tích cực”.
Mối quan hệ giữa doanh nghiệp – người lao động – công đoàn vì thế không thể là quan hệ hình thức hay đơn tuyến. Nó phải là một mạng lưới đồng kiến tạo, nơi mỗi bên đều có tiếng nói, có trách nhiệm và có cùng mục tiêu phát triển lâu dài.
![]() |
khi người lao động được coi trọng, họ sẽ trở thành người bảo vệ thương hiệu, người lan tỏa giá trị và văn hóa doanh nghiệp ra cộng đồng. |
Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt phát triển mới, đó là chuyển từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững, từ dựa vào vốn và tài nguyên sang dựa vào tri thức và giá trị con người. Trong bước chuyển ấy, mối quan hệ ba bên này chính là “bệ đỡ mềm” để mọi thành tựu vật chất không trở thành “rỗng ruột” về tinh thần.
Không có quốc gia phát triển nào mà doanh nghiệp thiếu đạo đức. Không có nền kinh tế nhân văn nào mà người lao động bị lãng quên. Và không có nền hòa bình xã hội nào mà công đoàn chỉ tồn tại trên giấy tờ.
Tư tưởng của Tổng Bí thư Tô Lâm chính là lời cảnh tỉnh và cũng là chỉ dẫn cho thời đại. Chúng ta không chỉ cần những doanh nghiệp lớn, mà cần những doanh nghiệp tử tế, không chỉ cần người lao động có kỹ năng, mà cần họ được tôn trọng, không chỉ cần công đoàn có tổ chức, mà cần có bản lĩnh để hành động vì con người.
![]() |
Phát triển con người trong kinh tế tư nhân không thể bỏ qua việc xây dựng quan hệ lao động công bằng, văn minh và hợp tác. |
Chính đạo lý trong kinh doanh sẽ là điểm tựa để nền kinh tế tư nhân Việt Nam không chỉ hội nhập, mà còn trở thành hình mẫu phát triển mang bản sắc nhân văn, dân tộc và tiến bộ.
Sự phát triển thực sự không nằm ở các con số, mà ở việc con người có được sống tốt trong guồng máy ấy không. Và như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra: “Phát triển kinh tế phải song hành cùng phát triển con người”.
Doanh nghiệp chính là “tế bào” của nền kinh tế. Nhưng nếu “tế bào” không có “linh hồn” thì nền kinh tế sẽ phát triển “vô hồn” và dễ tổn thương. Người lao động là “linh hồn” ấy. Và công đoàn là người giữ cho “linh hồn” đó không bị vắt kiệt, không bị gạt ra rìa, không bị lãng quên.
Bài toán của tương lai không chỉ là hiệu suất, mà là hạnh phúc. Không chỉ là đổi mới công nghệ, mà là giữ vững đạo lý. Không chỉ là doanh thu, mà là sự tử tế lan tỏa. Bài toán đó bắt đầu từ chính mối quan hệ giữa doanh nghiệp – người lao động – công đoàn hôm nay.
![]() Bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ ... |
![]() Bằng việc xác lập vị thế trung tâm cho kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm ... |
![]() Kinh tế tư nhân đã và đang khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, để “đòn ... |