Kinh tế tư nhân thành trụ cột, người lao động là lực đẩy |
Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
![]() |
Thông điệp về phát triển kinh tế tư nhân đi liền với trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh là trụ cột then chốt mà Tổng Bí thư nhấn mạnh. |
Hiện nay, khu vực tư nhân đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách Nhà nước, tạo ra trên 40 triệu việc làm, chiếm tới 82% lực lượng lao động xã hội – con số đủ để khẳng định đây không chỉ là một khu vực kinh tế đơn thuần, mà là nền tảng của sinh kế, ổn định xã hội và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong khi tốc độ phát triển của doanh nghiệp tư nhân đang ngày càng mạnh mẽ, thì hệ sinh thái lao động bên trong nhiều doanh nghiệp vẫn còn tồn tại không ít bất cập, như quan hệ lao động thiếu chuyên nghiệp, xung đột âm ỉ, công đoàn yếu kém và người lao động bị đặt ra bên lề chiến lược phát triển. Một nền kinh tế hiện đại không thể vận hành nếu thiếu đi một quan hệ lao động văn minh, được xây dựng trên nền tảng đối thoại, minh bạch và cùng phát triển.
Tại Việt Nam, quan hệ lao động trong khu vực tư nhân vẫn mang nặng tính hành chính, hình thức. Nhiều doanh nghiệp xem người lao động đơn thuần là "công cụ sản xuất", còn tổ chức công đoàn thì thiếu tính độc lập, không đủ sức thương lượng, thậm chí "hòa tan" trong bộ máy nhân sự của doanh nghiệp.
Điều này dẫn tới hệ quả kép. Đó là, người lao động không cảm thấy được bảo vệ, còn doanh nghiệp cũng không tận dụng được tiềm năng nội lực của nhân sự. Mô hình này không thể kéo dài trong bối cảnh nền kinh tế số, toàn cầu hóa và hội nhập tiêu chuẩn lao động quốc tế.
![]() |
Đây là cơ hội lớn để hình thành văn hóa doanh nghiệp mới – nơi người lao động không bị coi là "chi phí", mà là "tài sản chiến lược". |
Thực tiễn từ các quốc gia Đông Bắc Á, châu Âu cho thấy chính quan hệ lao động hiện đại, nơi người lao động được tôn trọng và tổ chức công đoàn có vị thế đối thoại thực chất mới tạo ra năng suất vượt trội và tính bền vững trong chuỗi sản xuất, kinh doanh.
Do đó, để tạo ra bước chuyển mình thực chất, rất cần thiết lập một mô hình quan hệ lao động hiện đại dựa trên ba trụ cột.
Thứ nhất, người lao động là trung tâm của phát triển. Không phải tài sản, không phải công nghệ mà chính con người mới là yếu tố tạo ra giá trị gia tăng bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy từ “tối đa hóa lao động” sang “phát triển con người”.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư thực chất vào đào tạo kỹ năng, chuyển đổi nghề, nâng cao năng lực số. Cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn và an sinh. Khuyến khích sáng kiến, đóng góp ý tưởng từ công nhân.
Thứ hai, công đoàn là đối tác phát triển, không chỉ là "người đòi quyền". Công đoàn tại doanh nghiệp tư nhân phải thoát khỏi vai trò hành chính hóa, chuyển sang làm cầu nối tin cậy giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Công đoàn hiện đại cần có khả năng tổ chức đối thoại định kỳ về lương – thưởng – thời gian làm việc. Tham gia xây dựng chính sách nhân sự, phúc lợi. Góp phần hình thành văn hóa doanh nghiệp dựa trên sự tôn trọng và công bằng.
![]() |
Công đoàn khi thực hiện tốt vai trò trung gian đối thoại sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các xung đột lao động, tăng cường gắn kết nội bộ, từ đó góp phần vào hiệu quả sản xuất kinh doanh. |
Thứ ba, doanh nghiệp là môi trường phát triển con người. Doanh nghiệp tư nhân cần hiểu rằng, xây dựng môi trường làm việc tốt không phải là “chi phí” mà là “đầu tư sinh lời”. Một nơi làm việc nhân văn, minh bạch, có lộ trình phát triển rõ ràng sẽ giúp giữ chân nhân sự, giảm xung đột và tăng hiệu quả kinh doanh.
Tuy tư tưởng đã rõ ràng, nhưng để chuyển hóa thành thực tiễn vẫn còn không ít rào cản. Bởi, thực tế tại nhiều công đoàn cơ sở còn thiếu năng lực thương lượng, không độc lập, thậm chí bị chi phối bởi ban lãnh đạo doanh nghiệp.
Người lao động ngại lên tiếng, sợ mất việc, không tin tưởng vào hiệu quả của đối thoại. Doanh nghiệp lo ngại công đoàn "làm khó" nên chỉ duy trì cho có, chứ không xem là đối tác chiến lược. Trong khi đó, khung pháp lý về quan hệ lao động, công đoàn vẫn chậm cải cách, chưa đủ “chất” để thúc đẩy chuyển đổi mô hình thực sự.
Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ là định hướng chiến lược cho phát triển kinh tế tư nhân, mà còn khơi mở một tầm nhìn mới về vai trò của người lao động và tổ chức công đoàn trong tiến trình hiện đại hóa quốc gia.
![]() |
Người lao động khi cảm thấy được bảo vệ và được phát triển sẽ có động lực để sáng tạo, gắn bó và đồng hành cùng doanh nghiệp. |
Như vậy, các cơ quan quản lý và tổ chức chính trị – xã hội cần cụ thể hóa bằng cải cách Luật Công đoàn, tăng quyền tự chủ, khả năng phản biện. Xây dựng cơ chế đối thoại ba bên gồm doanh nghiệp – công đoàn – nhà nước hiệu quả.
Thúc đẩy hình thành liên đoàn ngành nghề, công đoàn theo cụm, khu công nghiệp để tăng năng lực tập thể. Khuyến khích doanh nghiệp xây dựng mô hình phúc lợi nội bộ, gắn trách nhiệm xã hội với hiệu quả kinh doanh.
Nếu kinh tế tư nhân là "đòn bẩy" như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thì quan hệ lao động hài hòa, văn minh, hiện đại chính là nền móng để “đòn bẩy” đó phát huy sức mạnh.
Một nền kinh tế không thể phát triển bền vững nếu lực lượng lao động bị coi nhẹ, công đoàn bị vô hiệu hóa và văn hóa doanh nghiệp chỉ xoay quanh lợi nhuận. Muốn vươn xa trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không chỉ cần những doanh nghiệp lớn, mà còn cần một thế hệ người lao động được bảo vệ, được tôn trọng và được phát triển thực chất.
Hành trình kiến tạo một Việt Nam thịnh vượng không thể chỉ đi bằng ý chí lãnh đạo, mà phải đi bằng sự đồng hành của từng bàn tay lao động, trong một môi trường công bằng, nhân văn và đầy khát vọng vươn lên.
![]() Bằng việc xác lập vị thế trung tâm cho kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm ... |
![]() Muốn có doanh nghiệp lớn, thì phải có tư duy lớn và thể chế lớn. Một quốc gia muốn phát triển bền vững không thể ... |
![]() Bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ ... |