Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm tăng lương, xét quy trình giảm thuế xăng dầu
Phục vụ hai ngày thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách bắt đầu từ sáng mai (27/10), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa gửi đến các vị đại biểu báo cáo tổng hợp thảo luận tại 19 tổ.
Theo đó, đã có 81 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán NSNN; Kế hoạch đầu tư công vốn NSNN; phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2023; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2023-2025.
Với dự toán 2023, báo cáo phản ánh, nhiều ý kiến đề nghị việc xây dựng dự toán, phân bổ, quản lý, điều hành chi NSNN phải thực hiện nghiêm quy định của Hiến pháp, Luật NSNN và các quy định pháp luật có liên quan cùng các quy định về định mức chi đầu tư, chi thường xuyên; các khoản chi NSNN phải được dự toán.
Đại biểu ở nhiều tổ nhất trí với mức tăng lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, Chính phủ trình Quốc hội về tăng lương cơ sở từ 1.490.000 lên 1.800.000 (tăng khoảng 20%), thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2023. Như vậy từ lúc tăng lương từ tháng 7/2019 cho đến tháng 7/2023 tới đây là 4 năm. Như vậy người hưởng lương từ NSNN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành giáo dục, ngành y tế cán bộ, công chức kể cả cấp xã. Do vậy, hiện nay mong muốn của người hưởng lương là kiến nghị Chính phủ cần cân đối nguồn để bảo đảm điều chỉnh tăng lương sớm hơn từ ngày 01/01/2023, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần lưu ý việc điều chỉnh tăng trợ cấp cho người có công cần bảo đảm cao hơn chuẩn nghèo đô thị.
Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện tăng lương cơ sở năm 2023 là cần thiết; nhưng cũng cần điều chỉnh trợ cấp bảo trợ xã hội ở mức cao hơn do hiện tại, mức hỗ trợ (360.000 đồng/người/tháng) còn khá thấp so với mức chuẩn nghèo ở thành thị và nông thông và cũng điều chỉnh từ ngày 01/7/2023 để bảo đảm tính thống nhất.
Có ý kiến nhất trí tăng lương tối thiểu, tuy nhiên đề nghị không tăng đồng đều, chỉ tăng cho bộ phận lương thấp, đồng thời phải có đánh giá lại mức sống cơ bản, mức sống tối thiểu theo vùng miền, khu vực. Đề nghị xem xét không tăng lương cơ sở đối với những đơn vị, địa phương có cơ chế đặc thù.
Có ý kiến đề nghị tăng phụ cấp của cán bộ không chuyên trách cấp xã do mức hỗ trợ hiện tại chưa tạo được sự động viên cho người thực hiện nhiệm vụ (02 ý kiến).
Có ý kiến đề nghị làm rõ các cơ quan thanh tra nhà nước có được điều chỉnh tăng lương cơ sở hay không (02 ý kiến).
Có ý kiến đề nghị xác định thời gian cụ thể thực hiện cải cách tiền lương từ năm 2024 trong Nghị quyết của Quốc hội, tránh tình trạng trì hoãn, kéo dài việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương (03 ý kiến).
Có ý kiến cho rằng, trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương theo quy định tại Nghị quyết số 27 của Trung ương, cần có quy định cụ thể trong việc quản lý, sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng, bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn lực này.
Cũng trong báo cáo trên, liên quan đến thuế xăng dầu, Chính phủ đề nghị trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống của người dân và tăng trưởng kinh tế, trình Quốc hội cho phép giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quyết định cụ thể.
Tổng thư ký Quốc hội cho biết, thảo luận ở tổ một số ý kiến cho rằng, để bảo đảm kịp thời xử lý phù hợp với điều kiện thực tế, nhất trí việc ủy quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng, dầu, tuy nhiên, không quy định cụ thể các mức giảm như Tờ trình của Chính phủ.
Đồng thời, khi trình UBTVQH quyết định thì Chính phủ phải trình đầy đủ hồ sơ tương tự như trình Quốc hội theo các quy trình, trình tự tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ thực hiện đúng các quy định của Nghị quyết 42/2021/QH15 đối với khoản bù giá bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và sớm ban hành Nghị định hướng dẫn. Trong trường hợp không bảo đảm về thời gian để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, đề nghị Chính phủ có báo cáo riêng để thuyết minh và trình phương án xử lý phù hợp theo các quy định của Luật NSNN và Nghị quyết 42/2021/QH15 (12 ý kiến).
Một số ý kiến cho rằng, việc Chính phủ báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm là đúng quy định Nghị quyết 42/2021/QH15, vì vậy nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Một số ý kiến đề nghị báo cáo làm rõ căn cứ xây dựng dự toán khoản chi bù giá này, sự cần thiết, cấp bách phải xử lý và làm rõ cơ quan Kiểm toán Nhà nước có phải kiểm toán “dự toán” khoản chi này hay cơ quan kiểm toán sẽ kiểm toán khi quyết toán khoản chi này theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.