Người lao động làm việc trong nhà máy may ở Bình Định. Ảnh minh họa: N.L. |
Ngành Dệt may gặp nhiều khó khăn năm 2023
Theo VITAS, nếu như năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 44,4 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2021 thì sang đến năm 2023, ngành Dệt may phải đối diện với nhiều thách thức do tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, trong đó vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu khiến sức mua giảm, đơn hàng sụt giảm, lãi suất tăng cao và chênh lệch tỷ giá,...
Tại tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023, đầu năm 2024", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Văn phòng Đại diện VITAS tại TP. HCM nhận định, năm 2023 tình hình cực kỳ là khó khăn. Theo bà Mai, do các thị trường quốc tế giảm tiêu dùng cho quần áo may mặc, giá thành nguyên liệu tăng,…trong khi doanh nghiệp hầu hết lệ thuộc vải nhập khẩu (trước dịch nhập rất nhiều từ Trung Quốc, Đài Loan).
Một khó khăn nữa là toàn thế giới chuyển sang xu thế phát triển bền vững nên những cam kết về môi trường, lao động rất khắc nghiệt, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhưng giá trị đơn hàng không tăng. Trong năm 2023, còn có những luật mới như luật về chống lao động cưỡng bức của Mỹ, luật tra soát toàn bộ chuỗi cung ứng của Đức với những quy định rất chặt chẽ về sử dụng lao động trong sản xuất mà doanh nghiệp phải tuân thủ.
Bên cạnh đó, trong vấn đề môi trường, yêu cầu của các thị trường tiêu thụ, nhãn hàng buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,…
Mặc dù vậy, báo cáo của VITAS cho biết, nhờ nỗ lực của doanh nghiệp, xuất khẩu năm 2023 đạt khoảng 40,3 tỷ USD.
Hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Ngành Dệt may Việt Nam còn nhiều dư địa để tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo VITAS, mục tiêu đặt ra và kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với 2023.
Doanh nghiệp Dệt may nên đa dạng hóa thị trường, mặt hàng và hãy chuyển đổi số
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Văn phòng Đại diện VITAS tại TP. HCM cho biết, về phía VITAS, đã hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức các hội thảo để khuyến nghị doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, thông tin cho doanh nghiệp về những cơ hội, lợi thế ở các thị trường Việt Nam có hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, có trường hợp đau xót là doanh nghiệp chỉ làm cho thị trường Mỹ, khi thị trường Mỹ đi xuống thì doanh nghiệp gặp khó khăn, phải đóng cửa. Chính vì vậy, VITAS khuyến nghị doanh nghiệp nên đa dạng thị trường và mặt hàng.
Trong giai đoạn qua, một số doanh nghiệp đã năng động, linh hoạt mở rộng ngành hàng, sẵn sàng nhận những đơn hàng nhỏ, giá không cao, làm chỉ đủ chi phí để giữ chân người lao động.
Trưởng Văn phòng Đại diện VITAS tại TP HCM nhấn mạnh thêm việc doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Ngành Dệt may có tới 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ nên gặp khó khăn trong chuyển đổi số nhưng đó là việc buộc phải làm. Có thể bắt đầu bằng việc sử dụng các phần mềm thiết kế 3D, chủ động chọn vải để bán với giá cao hơn hoặc quản trị số giúp giảm rủi ro, gia tăng hiệu quả hoạt động.
Để hỗ trợ các hội viên, VITAS đã làm việc với các tổ chức ngân hàng, tổ chức cho thuê tài chính để triển khai các giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và sẽ tiếp tục hoạt động này.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS cho biết, từ nay đến năm 2030, ngành Dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.
Giai đoạn từ 2031 – 2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
"Giải pháp chính của ngành Dệt may vẫn sẽ đến từ việc đầu tư cho phát triển bền vững, phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Trong đó, thu hút các dự án dệt - nhuộm - hoàn tất công nghệ cao vào các khu công nghiệp; đầu tư sản xuất các loại nguyên liệu mới có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện môi trường; đầu tư phát triển ngành thời trang dệt may...", Chủ tịch VITAS nói.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực khuyến nghị, ngành Dệt may thời gian tới cần phải giải quyết các vấn đề để bứt phá, bao gồm: cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá...; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng...); đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số (gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...).
Để chuẩn bị cho giai đoạn thị trường phục hồi, các doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất, bằng mọi cách giữ chân lực lượng lao động. Việc này không chỉ chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi đơn hàng mà còn để khẳng định tính ổn định của nền sản xuất trong nước như một yếu tố cạnh tranh với các quốc gia khác.
Còn về phía Cục Xuất nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng cho rằng, để tìm cơ hội trong thách thức, ngành Dệt may Việt Nam cần chủ động nguồn nguyên liệu xanh, tái chế, tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải cũng như sợi hữu cơ đối với các sản phẩm mới. Đầu tư cải tạo nhà máy bằng việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi từ than sang điện.
Cùng đó đầu tư công nghệ, kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất…
Trân trọng những nỗ lực vì người lao động của doanh nghiệp Chương trình “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động (NLĐ)” năm 2023 tôn vinh những doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong việc chăm ... |
Giữ chân người lao động bằng chế độ phúc lợi hấp dẫn Dù có gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, Công ty CP Hãng sơn Đông Á (Gia Lâm - Hà Nội) có nhiều giải ... |
Chính sách tiền lương mới đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định mới nhất Bộ LĐTB&XH xây dựng Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng; xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chính sách ... |